Thứ 6, 26/04/2024 08:22:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:02, 22/01/2015 GMT+7

Không tự hào thì làm sao gìn giữ?

Thứ 5, 22/01/2015 | 08:02:00 134 lượt xem

BP - Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và internet, một loại ngôn ngữ mới đã được sáng tạo (chủ yếu do giới trẻ) và đang tác động lớn đến tiếng Việt. Sự phát triển đó góp phần làm phong phú hơn vốn từ vựng tiếng Việt, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao tiếp, hoạt động kinh tế - xã hội, nghiên cứu khoa học... Nhiều từ ngữ mới có yếu tố sáng tạo, chuẩn xác, tinh tế đã làm cho tiếng Việt thêm đẹp. Ví dụ: ngân hàng đề thi, bệnh viện máy tính, toàn cầu hóa, tăng trưởng “nóng”, thương mại ảo, tuổi teen, siêu tốc... Tuy nhiên, mặt trái từ việc sử dụng tiếng Việt tùy tiện, lai căng, lạm dụng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh lại đang làm tiếng Việt kỳ dị, thậm chí đi ngược đạo lý truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc, thể hiện sự sa sút về nhân cách... đang là điều đáng lo ngại. Nếu không kịp thời ngăn chặn thì tiếng Việt sẽ ngày càng bị pha tạp nặng nề. Người dùng vô tình đang “góp phần” bào mòn sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ!

Hiện rộ lên phong trào các cửa hàng niêm yết giá kiểu: Áo len 300k, áo sơmi 70k, áo thun 90k...Thậm chí, ngay khu vực đối diện Sở Giáo dục - Đào tạo, một “nông dân chính hiệu” chừng 50 tuổi bày một lồng gà bên lề đường cũng treo lủng lẳng một cái biển: gà vườn 95k... Có thể chính bà và rất nhiều người không hiểu được nghĩa của “k” mà lờ mờ đoán là 95 ngàn đồng, phỏng theo giá thị trường(!?)

Hàng ngày, từ nhà ra ngõ, từ công sở đến trường học, đâu đó vẫn nghe có người nói: Đi gì mà đầu lâu thế? - Ừ, tại đường Hà Đông quá!; Bắc Kạn đi mấy ông ơi!; Này, hết bao nhiêu để còn Campuchia?;  Thôi, tôi Lương Văn Can ông!; “Cậu tổ chức sinh nhật hoành tá tràng (hoành tráng) quá!”... Còn kiểu thể hiện “hi - xin chào”, “bye - tạm biệt”, “ok - đồng ý”... thì với những người không tôn trọng tiếng Việt dường như đã thành thói quen từ lâu rồi...

Chữ viết là một công cụ ghi lại ngôn ngữ. Vì thế, biểu hiện lệch lạc trong câu nói lâu dần sẽ được phản ánh trong viết. Và ngôn ngữ của thời công nghệ, internet cũng khiến nhiều người phải lo lắng. Ví dụ: wá (quá), wen (quen), wên (quên), iu (yêu), lun (luôn), bùn (buồn), bitk? (biết không?); bít rùi (biết rồi); u (bạn, mày) đã được giới trẻ viết (tin nhắn) cho nhau mỗi ngày. Ngoài ra, “từ mới” cũng được nhanh chóng lan tỏa đi vào giao tiếp như: chuối (dở hơi); điên đảo (cực kỳ); hack (trộm); hic (buồn), haha, hihi (vui)...

Qua đó có thể thấy sự “ô nhiễm” ngôn ngữ trong tiếng Việt đang báo động và sẽ có nhiều cơ hội phát tán rộng hơn nữa nếu chúng ta thờ ơ. Ngôn ngữ @ đã đi quá giới hạn của tiếng Việt chuẩn. Điều đó vừa không lành mạnh vừa thể hiện sự cẩu thả, tùy tiện... Đó là chưa kể tiếng Anh tràn lan trên quảng cáo, biển hiệu đường phố, khách sạn... Thậm chí, nhiều người còn đặt tên cho mình (hoặc con mình) nửa Việt nửa Anh... Hình như đang có tâm lý, hội chứng dùng tiếng Anh thì mới oai, mới sang, mới hiện đại(!?)

Tiếng Việt sẽ khó giữ được bản sắc riêng nếu không xây dựng ý thức tự tôn dân tộc, lòng yêu nước, yêu tiếng mẹ đẻ trong mỗi con người Việt. Muốn thế, không chỉ các ngành chức năng, các nhà ngôn ngữ mà bắt đầu từ phụ huynh, giáo viên phải giúp con em có cơ hội tiếp xúc, giao lưu học hỏi, hiểu biết văn hóa, ứng xử bằng ngôn ngữ trong sáng, rõ ràng, dễ hiểu. Từ đó khích lệ, nhắc nhở hay chấn chỉnh hoạt động ngôn ngữ của mỗi người khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chung tay định hướng cho giới trẻ những giá trị tốt đẹp của tiếng Việt sẽ nâng cao ý thức giữ gìn sự trong sáng, lời hay ý đẹp của dân tộc mình. Đồng thời sẽ chấn chỉnh những người đi ngược lại xu thế đó. 

Ngọc Tú

  • Từ khóa
108456

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu