Thứ 7, 27/04/2024 00:51:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 12:16, 26/09/2017 GMT+7

Không thích làm quan

Thứ 3, 26/09/2017 | 12:16:00 152 lượt xem

BP - Trong số các giai thoại còn lưu truyền đến ngày nay về trạng nguyên Bạch Liêu, thì giai thoại về trí thông minh, am hiểu việc nước của ông là một trong những giai thoại đáng chú ý nhất. Trong giai thoại này, hình ảnh của trạng nguyên Bạch Liêu được gắn liền với hình ảnh của người bạn thông minh, tài trí hơn người là Đại Minh. Chuyện kể rằng, ngày đầu tiên đến phủ học, Bạch Liêu ngồi cạnh Đại Minh - một cậu bé có gương mặt sáng, thông minh.

Minh họa: S.H

Đại Minh học rất giỏi, tính tình vui vẻ, hiền lành. Tuy nhiên, Bạch Liêu cảm thấy các bạn trong lớp có điều gì đấy e ngại mỗi khi nói chuyện với Đại Minh. Bạch Liêu không hiểu vì sao nhưng cũng ngại hỏi. Do bận đi kiểm tra, đốc thúc việc học trong vùng nên thầy Hoàng Nghĩa thỉnh thoảng mới có thời gian dạy học trò. Lớp học vẫn do thầy đồ trước đó dạy. Không như thầy Hoàng Nghĩa, thầy đồ này chỉ chú trọng dạy kinh sách, luật pháp để cho học trò đi thi.

Thầy thường dạy rằng: Mỗi thời đại, luật pháp lại thay đổi cho phù hợp với thời đại đó. Tuy nhiên không phải lúc nào sự thay đổi đó cũng tốt cho dân chúng. Nhiều khi luật pháp chỉ phục vụ cho quan lại cai trị dân tốt hơn thôi. Thông thường, nếu là thầy đồ dạy học ở bên ngoài thì không ai dám nói như thế. Nhưng quan tuần phủ là người cũng biết chút chữ nghĩa, ông muốn các thầy đồ nói thực cái chí của mình cho lũ học trò nghe. Vì thế, học trò trong phủ được tự do bàn luận về những điều đó. Nghe thầy dạy, Bạch Liêu liền hỏi: Nhưng thế nào là một hệ thống luật pháp tốt cho dân chúng ạ? Bạch Liêu vừa hỏi xong thì lớp học cười ồ lên. Đám học trò quay lại nhìn cậu học trò mới như thể giễu cợt. Tuy nhiên, thầy giáo lại cho câu hỏi của Bạch Liêu là rất hay và bảo tất cả học trò suy nghĩ.

Lần lượt các học trò đều có câu trả lời, duy chỉ người học trò tên Đại Minh vẫn ngồi im. Đến khi cả lớp trả lời xong, thầy đồ quay ra hỏi Đại Minh thì nhận được câu trả lời rằng: Một thời đại có hệ thống luật pháp tốt là một thời đại không cần đến nhiều những vị quan cai trị ạ. Ban đầu, Bạch Liêu giật mình vì câu trả lời của bạn. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, Bạch Liêu đã hiểu ý Đại Minh muốn nói. Cậu xin phép thầy được thay bạn lý giải. Bạch Liêu nói rằng: Nếu có hệ thống luật pháp tốt thì không cần đến nhiều các vị quan cai trị. Nếu hệ thống luật pháp tốt, vì dân và nghiêm minh thì dân sẽ tâm phục, khẩu phục, tự nguyện tuân theo chứ không cần phải ép buộc. Vì dân chúng đã tin tưởng và khâm phục vào hệ thống luật pháp đó nên họ sẽ cố gắng tránh những điều luật pháp không cho phép. Nếu như họ vô tình phạm phải thì họ sẽ tự nguyện chịu hình phạt theo luật định mà không có lời oán thán, trách móc hay tìm cách trốn tránh. Nếu có một hệ thống luật pháp như thế thì các thời đại sẽ không cần đến nhiều những vị quan cai trị.

Ngay khi Bạch Liêu nói xong, Đại Minh đứng bật dậy ôm bạn, khen rằng Bạch Liêu còn nói hay hơn cả những gì mà mình đã nghĩ. Mãi sau này, Bạch Liêu mới biết Đại Minh là con của quan tuần phủ. Được sự giúp đỡ của Đại Minh, Bạch Liêu có thể tự do vào kho sách của phủ bất cứ lúc nào. Muốn đọc cuốn sách nào, cậu cũng có thể mượn mang về. Và từ khi lên phủ, thầy Hoàng Nghĩa ít khi ở lại phủ mà cứ phải đi khắp nơi. Thế cho nên đọc sách có điều gì không hiểu, Bạch Liêu lại mang đến hỏi Đại Minh. Cậu bạn đã đọc hết những cuốn sách đó và từng được thầy đồ giảng qua nên hiểu được. Nhờ chăm chỉ đọc sách, dần dần Bạch Liêu đã cùng với Đại Minh đứng đầu lớp học. Mỗi khi thầy đồ có việc, thầy lại cử một trong hai cậu đọc sách rồi giải nghĩa cho cả lớp nghe.

Chính nhờ sự chăm chỉ học tập và khả năng tiếp thu nhanh, thông hiểu vấn đề dân sinh, việc nước ngay từ khi còn trẻ tuổi mà Bạch Liêu đã nhanh chóng chứng tỏ năng lực của mình khi đỗ trạng nguyên trong khoa thi năm 1266. Cũng từ đó, dân tộc Việt có một vị trạng nguyên tài ba, suốt cuộc đời cống hiến vì dân, vì nước.

Lời bàn:

Trong lịch sử khoa cử ở nước ta dưới thời phong kiến, tất cả người thi đỗ trạng nguyên đều nổi tiếng là thần đồng từ khi còn rất nhỏ. Với trạng nguyên Bạch Liêu cũng vậy, nhưng ở ông có điểm khác hoàn toàn với tất cả trạng nguyên trước và sau ông là đỗ trạng nguyên nhưng không ra làm quan, không có chức vị, tước phong gì nhưng vẫn là một đại thần. Không ra làm quan không phải Bạch Liêu là người bất mãn hay thích ở ẩn, mà ông thỉnh cầu nhà vua: Cho thần ở lại quê báo hiếu song thân, xin đem tài thao lược lo giúp việc công ngay trong bản xứ. Và cách nghĩ, cách làm của ông thật trọn đường trung hiếu.

Thế mới hay rằng, với trạng nguyên Bạch Liêu cũng giống như mọi nho sĩ đương thời ở chỗ việc phụng dưỡng song thân, làm tròn chữ hiếu là trách nhiệm của đấng nam nhi. Song ở ông có nhận thức khác người là trung với vua, với nước không phải cứ làm một ông quan tốt là xong. Mà với ông, lo giúp việc công ngay trong bản xứ, tức là giúp việc trong thôn, làng được yên ấm, an lành cũng là trung với vua, với nước. Nhắc chuyện xưa và ngẫm chuyện nay mà buồn, bởi thời nay người đi học, thi cử hầu hết đều là vì công danh sự nghiệp hoặc vì tiền tài. Trong khi đó, ngày xưa hầu hết các sĩ tử đặt chí tại thánh hiền chứ không phải chí tại công danh sự nghiệp. Nếu không thành bậc thánh hiền thì ít nhất cũng trở thành người quân tử chứ không muốn thành kẻ phàm phu tục tử hay tiểu nhân.

N.D

  • Từ khóa
109963

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu