Thứ 6, 26/04/2024 16:41:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 07:17, 10/08/2018 GMT+7

Khi một sự chẳng nhịn...

Thứ 6, 10/08/2018 | 07:17:00 116 lượt xem

BP - Ông bà ta đã đúc kết: “Một sự nhịn, chín sự lành”. Và bài học vỡ lòng cho mỗi người về nhường nhịn qua truyện ngụ ngôn “Hai con dê qua cầu” có lẽ ai cũng biết. Thế nhưng lại có không mấy ai nhớ để áp dụng trong đời sống, từ đó xảy ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Không ít người phải dành hết cuộc đời còn lại để ăn năn, hối cải.

Điều dễ thấy nhất là khi tham gia giao thông, không ít người ứng xử thiếu kiềm chế chỉ vì va quẹt hoặc bị người khác vô ý làm văng nước trên đường vào người. Lời qua, tiếng lại, “máu bốc lên đầu” thế là cãi vã, đánh nhau... thậm chí là án mạng! Mấy ngày qua, trên mặt báo liên tục có thông tin án mạng mà nạn nhân là chồng, vợ, người yêu,... khiến nhiều người đặt câu hỏi: Sao người ta có thể hung hãn, tàn độc với chính người mà họ từng yêu thương tha thiết như thế? Sao nhiều người coi giá trị mạng sống rẻ như vậy?

Mới đây nhất là vụ việc diễn ra đêm 6-8 tại TP. Uông Bí (Quảng Ninh), sau cãi vã, đánh nhau, một người đã lái xe ôtô lao tới chèn chết người kia. Hay như trường hợp Phạm Hoài Linh, quê Cần Thơ cùng người yêu đến Đồng Nai làm thuê, nghi ngờ người yêu có bạn trai mới nên Linh đã dùng dao đâm chết bạn gái vào đêm 7-8. Nhiều ý kiến cho rằng, những người có hành vi tàn ác với người thân của mình là những kẻ không được giáo dục đầy đủ về nhân cách và trách nhiệm với xã hội. Nhưng thực tế cho thấy vẫn có nhiều kẻ học cao hiểu rộng, nghề nghiệp đàng hoàng, nhân thân tốt nhưng vẫn gây án? Từ đó có thể thấy, công tác giáo dục hiện nay cần phải nhìn thẳng vào lỗ hổng đạo đức. Bởi ngày nay, nhà trường và gia đình chỉ quan tâm đến việc học chữ, đua nhau dạy thêm, học thêm nhồi nhét vào đầu học sinh như cái máy vô cảm. Nhiều cha mẹ dạy con ganh đua giành kết quả học tập cao bằng mọi giá,... chứ không như ông bà ta vẫn dạy cháu con cách phấn đấu đầy tính nhường nhịn: “Ai nhất thì tôi lại nhì, ai hơn tôi nữa... tôi thì thứ ba...!”.

Chính vì không được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống; gặp vướng mắc không được chia sẻ, giải tỏa nên đến lúc đụng chuyện sẽ bung ra như lò xo bị nén... bất chấp hậu quả, không suy xét thiệt hơn từ hành động bản năng của mình. Đơn cử, Hoàng Văn Trường ở thành phố Thái Nguyên đã nhận án tù chung thân vào ngày 7-8, khi mới 24 tuổi. Nguyên nhân chỉ vì hành động nông nổi, bột phát. Giá như khi không đội mũ bảo hiểm bị tổ công tác của Cục Cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe, Trường không chấp hành mà lao thẳng xe vào một trung tá đang làm nhiệm vụ khiến nạn nhân tử vong, mà bình tĩnh chấp hành lỗi phạt tối đa 200 ngàn đồng thì giờ đã không tạo nên oan trái cho nhiều gia đình và chính bản thân như vậy.

Mâu thuẫn luôn xuất hiện trong đời sống xã hội, gia đình, cộng đồng dân cư. Nhưng nếu không suy xét, kiềm chế mà “sẵn sàng nổi nóng” thì sẽ dẫn đến hành xử thiếu văn hóa. Hậu quả để lại luôn nghiêm trọng, kéo dài và “cái sảy nảy cái ung” rất khó lường. Nếu mỗi con người biết nằm lòng bài học yêu thương, sống có tình người, không nhỏ nhen, ích kỷ và đặc biệt, sự nhường nhịn được lan tỏa, trở thành triết lý sống căn bản trong xã hội thì nỗi đau, mất mát trong cuộc sống mới không còn tái diễn.

An Nhiên

  • Từ khóa
108931

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu