Thứ 7, 27/04/2024 08:01:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:56, 28/09/2019 GMT+7

Hai lần làm phản

Thứ 7, 28/09/2019 | 15:56:00 1,096 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Trịnh Tùng có thụy hiệu là Thành Tổ Triết Vương, là vị chúa thứ 2 của dòng họ Trịnh, giai đoạn Lê trung hưng trong lịch sử phong kiến Việt Nam ở cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Ông cai trị từ năm 1570 tới năm 1623. Xét theo thế thứ, ông là đời thứ 2 của họ Trịnh kế tục lãnh binh quyền “phù Lê”. Tuy nhiên, cha ông là Trịnh Kiểm chỉ mới được phong tước công, thụy hiệu Thái Vương của Trịnh Kiểm là do đời sau đặt. Phải từ thời Trịnh Tùng trở đi, họ Trịnh mới nhận tước vương khi còn tại vị, được gọi là chúa và lập thế tử nên ông được xem là vị chúa Trịnh chính thức đầu tiên.

Sau khi cha là Trịnh Kiểm qua đời, Trịnh Tùng nổi dậy đánh đuổi người anh là Trịnh Cối, rồi đoạt lấy binh quyền Nam triều. Năm 1573, ông lật đổ vua Lê Anh Tông và đưa Lê Thế Tông lên làm vua bù nhìn, bản thân ông nắm hết quân quốc đại sự. Trịnh Tùng được sử sách ghi nhận là nhà chỉ huy quân sự tài ba, người đã chặn được các cuộc tấn công của quân Mạc từ năm 1577-1583. Năm 1592, Trịnh Tùng xuất quân Bắc phạt, giành lại Đông Đô từ tay nhà Mạc, hoàn thành sự nghiệp trung hưng triều Lê. Năm 1599, ông buộc nhà vua phải phong cho mình tước Bình An Vương và lập con làm thế tử, thiết lập phủ chúa tại thành Đông Kinh, chính thức mở ra cơ đồ 200 năm của họ Trịnh.

Những năm tiếp theo, Trịnh Tùng lo việc thông hiếu với nước Minh, đối phó với dư đảng họ Mạc ở phía Bắc và sự trỗi dậy của họ Nguyễn ở phương Nam. Năm 1619, vua Lê Kính Tông cùng con thứ của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân lập mưu hãm hại ông, Trịnh Tùng biết việc đã ra tay giết vua rồi đưa cháu ngoại của mình là Lê Thần Tông lên ngôi. Như vậy, vua Lê Kính Tông là người trước đó được Trịnh Tùng đưa lên ngôi, nay lại bị chính Trịnh Tùng bức chết. 4 năm sau, Trịnh Tùng bị bệnh nặng, Trịnh Xuân lại nổi loạn song nhanh chóng bị diệt. Trịnh Tùng qua đời trong cùng năm đó, ngôi chúa được truyền cho con trai thứ hai là Trịnh Tráng.

Sự việc này được sử cũ chép lại rằng, năm 1623, Bình An Vương Trịnh Tùng khi ấy 74 tuổi, do sức yếu và bị bệnh nên cùng các quan văn võ chọn thế tử. Trịnh Tráng là con thứ hai của ông được chọn, vì có tài cầm binh, trước đó lập được nhiều chiến công, được quan quân tiến cử và Trịnh Tùng phê chuẩn. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, cũng vào lúc đó, người con thứ khác của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân khi ấy đã đem quân kéo vào kinh thành làm loạn, đánh phá phủ chúa, bức cha dời ra ngoài thành rồi phóng lửa đốt cháy tràn lan các xứ trong kinh kỳ. Trịnh Tùng được gia tướng liều mình cứu nguy, nhưng phải xiêu dạt ở xa kinh thành.

Như vậy, đây là lần thứ 2 Trịnh Xuân làm phản cha. Tiếc rằng sử sách ngày ấy và ngay cả chính sử là “Đại Việt sử ký toàn thư” không hề có một dòng nhắc đến việc Trịnh Xuân bị xử lý thế nào ở lần này. Tuy nhiên, sau vụ làm loạn thứ 2, án phạt mà Trịnh Tùng dành cho con trai là “sai người chặt chân Xuân cho chết”. Song, đây là lời truyền miệng trong dân gian và trong các giai thoại liên quan đến Trịnh Xuân.

Năm 1623, chúa Trịnh Tùng qua đời, kết thúc sự nghiệp 53 năm giúp nhà Lê lấy lại giang sơn, giữ yên bờ cõi nước Đại Việt cho 4 đời vua.Người đời sau có nhiều đánh giá trái ngược về Trịnh Tùng. Sử gia Phan Huy Chú trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí” đã đưa ra nhận xét về ông như sau: Ông tính khoan hậu, yêu người, khéo vỗ về tướng sĩ, đoán tình thế của giặc không sai, dùng binh như thần. Trong 20 năm kinh dinh đất nước, cuối cùng dẹp được kẻ tiếm nghịch, khôi phục nhà Lê, công trùm thiên hạ, oai lừng khắp nơi, mới được sắc phong vẻ vang, lễ đãi long trọng. Ông thực sự làm chúa cầm quyền bính, công lao, sự nghiệp danh vọng lừng lẫy.

Trong khi đó, sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” lại đánh giá rằng: Trịnh Kiểm tuy chuyên quyền nhưng tội ác chưa có gì tỏ rõ cho lắm. Đến Trịnh Tùng mới thật là gian thần như đồ Vương Mãng và Tào Tháo. Vì thế, trước việc Trịnh Tùng bị con trai mưu phản, tác giả sách này bình luận: “Người bầy tôi ngỗ ngược, tất nhiên có người con ngỗ ngược; đạo trời hay trả miếng, bao giờ cũng thế”.

Lời bàn:

Theo sử cũ, nhớ lời cha dặn trước lúc lâm chung, nhưng ông không cho lời ấy là phải, có lần Trần Quốc Tuấn giả vờ hỏi dò ý con là Quốc Nghiễn rằng: Cổ nhân giàu có cả thiên hạ, để truyền cho con cháu về sau, việc ấy con nghĩ thế nào? Quốc Nghiễn thưa rằng: Việc ấy đối với người khác họ cũng không nên làm, huống chi là người cùng một họ. Quốc Tuấn rất lấy làm phải, sau ông lại đem câu ấy hỏi 2 viên tướng của mình là Dã Tượng và Yết Kiêu. 2 người can ngăn, nói: Nếu thi hành kế ấy, dầu có giàu sang được một lúc, mà tiếng xấu để mãi đến ngàn đời... Chúng tôi tình nguyện chết già làm người nô bộc, chứ không muốn làm sự bất trung, bất hiếu để cầu may mà được một chức quan...

Và cũng với câu hỏi ấy, Trần Quốc Tảng đã trả lời ngược lại và Trần Quốc Tuấn đã không chần chừ rút gươm ra rồi chỉ thẳng vào mặt con mà nói rằng: Những người bầy tôi phản loạn chính là do những đứa con bất hiếu mà ra. Còn trước việc Trịnh Tùng bị con trai là Trịnh Xuân mưu phản đến 2 lần, tác giả sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” đã có lời bình luận rằng: Người bầy tôi ngỗ ngược, tất nhiên có người con ngỗ ngược; đạo trời hay trả miếng, bao giờ cũng thế. Vâng, luật đời là vậy, mong hậu thế đừng ai quên!

N.D

  • Từ khóa
110237

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu