Thứ 3, 19/03/2024 11:00:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 14:30, 23/02/2018 GMT+7

Dở khóc dở cười với thực phẩm chức năng

Thứ 6, 23/02/2018 | 14:30:00 1,244 lượt xem

BP - Trước tết Nguyên đán Mậu Tuất vài ngày, cô bạn đang sống tại Úc gửi tặng một hộp thực phẩm chức năng (TPCN) mà theo cô là sự lựa chọn thông minh nhất cho những bà, những cô U40 trở lên. Theo lời quảng cáo của cô bạn thì dùng loại TPCN này đều đặn sẽ gần như “cải lão hoàn đồng” nên chị lại cất những loại đang dùng dở và háo hức mở quà dùng thử với hy vọng nó sẽ giúp làm căng da, hết nám, cơ thể thon gọn. Mà không hiểu sao dạo này bạn bè đi du lịch nước ngoài toàn có quà biếu là TPCN, phổ biến nhất là các sản phẩm mang từ Mỹ, từ Nhật về.

Thực ra không phải đến bây giờ chị mới dùng TPCN. Đời sống ngày càng nâng cao, nhiều người đã quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình, trong đó thiên về sử dụng các loại TPCN để hỗ trợ nâng cao sức khỏe, và chị không ngoại lệ. Loại TPCN được săn lùng nhiều nhất hiện nay là các sản phẩm hỗ trợ làm đẹp như collagen, thực phẩm giảm cân, tăng cường sinh lý nam, bổ sung dưỡng chất cho người già, trẻ em... Bản chất của TPCN không phải là thuốc chữa bệnh, song vì lợi nhuận nên nhiều công ty kinh doanh và quảng cáo đã thổi phồng công dụng của nó, biến nó thành loại “thần dược”. Có người đã tin rằng, dùng TPCN không chỉ khôi phục tuổi xuân, giảm cân nhanh chóng, an toàn, hiệu quả mà thậm chí còn chữa được cả... bệnh ung thư! Cho dù ngành y tế đã khuyến cáo về việc dùng TPCN, nhưng vì những lời quảng cáo có cánh mà người ta vẫn mua hết loại này đến loại khác để dùng. Điều đáng nói là cùng một loại TPCN nhưng mức chênh lệch về giá giữa các cơ sở cung cấp khá lớn.

Không chỉ sính dùng TPCN được chiết xuất thành viên hoặc dạng sữa, rất nhiều người lên mạng tìm đọc những bài viết chưa hề được kiểm chứng về các loại thảo dược rồi rỉ tai nhau về công dụng của chúng và thi nhau dùng thử. Nhớ hôm dự cuộc họp tổng kết cuối năm, ở dãy bàn toàn các chị ngồi, chẳng ai bảo ai, mỗi người đặt lên bàn một chai nước mang theo từ nhà. Từ nước lá sen có tác dụng giảm mỡ bụng đến nước đậu đen xanh lòng thanh lọc cơ thể; nước hà thủ ô có tác dụng bổ máu, làm đen tóc; nước khổ qua rừng cân bằng huyết áp, nước cây chó đẻ mát gan giải độc... Các chị hỏi thăm nhau về công dụng của từng loại lá, hạt, rễ cây... mà người khác đang dùng rồi xin địa chỉ, lại gửi gắm nhờ mua hộ.

Nhưng không chỉ tốn tiền, mất công mất sức mà đã có nhiều người dở khóc dở cười với TPCN. Không tự tin với cân nặng quá khổ của mình, một đồng nghiệp nam của chị nghe bạn bè mách bảo có loại trà giảm béo uống kết hợp với cà phê, chỉ cần uống một hộp là có thể giảm 40% lượng mỡ dư của cơ thể nên đã chi 3 triệu đồng mua 5 hộp để uống dần. Ngày đầu sau khi uống, anh thấy mệt mỏi, đầu óc mụ mị, luôn ở trạng thái “trên mây”. Sang ngày thứ 3, những triệu chứng này trầm trọng hơn, chân tay rã rời, đầu óc quay cuồng nên anh vội vứt tất cả chỗ trà còn lại vào sọt rác. Lại có người yếu sinh lý, nghe nói có loại dầu bôi khiến trung niên có thể hoạt động như trai 17 nên tìm mua. Nhưng vì là chuyện tế nhị, lại không đọc được hướng dẫn sử dụng bằng chữ nước ngoài nên rơi vào tình trạng “lên” mà không thể nào “xuống” được, đành phải vào viện nhờ bác sĩ giúp được trở lại bình thường.

Là sản phẩm giao thoa giữa thuốc và thực phẩm, TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng, tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ bệnh tật chứ hoàn toàn không phải là thuốc và không có chức năng chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều người đã tin tưởng quá mức vào những lời đồn thổi, coi TPCN như “thần dược” có thể trị bách bệnh mà sử dụng một cách vô tội vạ, không chỉ gây lãng phí tiền bạc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.          

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
107179

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu