Thứ 3, 30/04/2024 21:18:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 10:27, 17/04/2024 GMT+7

CHÀO NHÉ YÊU THƯƠNG!

Tình bạn vong niên

Hồ Đình Hiệp
Thứ 4, 17/04/2024 | 10:27:59 2,287 lượt xem

- Alo, Hiệp ơi, nay có rảnh không cháu?

- Dạ, cháu đi dạy sáng, buổi chiều mới rảnh ạ. 

- Vậy chiều chú qua nhà nha.

- Dạ, nay mưa, chỗ cháu có đoạn đường khó đi. Hay là chiều cháu qua chú nha.

- Ừ, vậy cũng được. À, nhớ chở vợ qua chơi nha cháu. 

Chiều đó, tranh thủ chút thời gian, vợ chồng tôi chở nhau vô nhà chú thím Hai. Khi đi, tôi hái một ít trái vả, vài trái dừa trong vườn nhà đem biếu vợ chồng chú và biết chắc thế nào lúc về thím cũng gói một ít rau hay bánh trái tự tay thím trồng (hoặc làm) cho chúng tôi.

Vợ chồng tôi quen biết chú Hai trong một lần tham gia sinh hoạt với tư cách là khách mời của hội thơ và đọc sách của các cô, chú lớn tuổi trong xã. Tôi được xếp ngồi kế bên chú. Trong buổi sinh hoạt, chú đã có những ý kiến đóng góp khiến tôi thực sự tâm đắc. Cuối giờ sinh hoạt có tổ chức tiệc nhẹ. Tôi và chú lại cảm thấy hợp nhau hơn bởi cả hai đều không uống rượu. Lúc ra về, chú mời vợ chồng tôi khi nào rảnh thì ghé nhà chú chơi. Nhà chú ở ấp vùng sâu của xã, cách nhà tôi chừng 7 cây số, vì trái đường đi nên tôi ít khi vào khu đó. Tuy vậy, từ ngày quen biết chú, chúng tôi đã đến đó thường xuyên hơn.

Qua những lần đến chơi thăm hỏi, chú tâm sự với tôi rất thật tình. Vợ chồng chú từ Cà Mau lên Bình Phước lập nghiệp nên cũng có ít bạn bè ở đây. Chú nói giờ tìm được một người bạn hợp ý để qua lại cũng rất khó. Thấy tôi có chút đam mê văn thơ, chú khuyến khích và thường trao đổi với tôi về chuyện văn chương.

Quen biết chú, tôi càng hiểu thêm về con người miền Tây chất phác, sống bình dị, vui tính và dễ thương. Tôi học được ở chú nhiều kiến thức kể cả trong sách vở cũng như đời sống hằng ngày. Chú kể hồi đó chiến tranh, học hành trường lớp chẳng được bao nhiêu, chủ yếu là tự học. Và sách là người thầy lớn của chú. Từ hồi ở miền Tây lên đây, tài sản chú mang theo không gì ngoài những cuốn sách quý, một chiếc xe máy làm phương tiện đi lại. Với sự chịu thương chịu khó, vợ chồng chú lúc đó ở “tuổi hưu” vẫn cố gắng làm, dành dụm để có thể bám trụ được tới hôm nay. Chú truyền cho vợ chồng tôi một số kinh nghiệm trong giữ gìn sức khỏe, trồng hoa màu, cách nấu nướng cũng như đối nhân xử thế.

Tôi cũng giúp chú chút ít trong việc kết nối những bạn bè văn thơ, giúp chú gửi bài cộng tác với Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước. Có 2 bài thơ được phát trên đài, chú vui lắm. Với vốn kiến thức về công nghệ thông tin của mình, tôi lại hướng dẫn chú tham gia mạng xã hội Facebook, Zalo để liên lạc với những người thân quen. Thi thoảng, máy tính bảng của chú gặp rắc rối, chú đều nhờ tôi giải quyết giúp…

Vợ chồng tôi nhỏ hơn chú chừng 30 tuổi, cũng coi như con cháu của chú. Trong thâm tâm, tôi coi chú thím như cha mẹ mình; còn chú nói lúc nào cũng xem chúng tôi như bạn vong niên. Mà chú nói cũng đúng thật. Từ ngày quen biết nhau, gia đình chú có việc lớn, nhỏ đều cho vợ chồng tôi hay. Có quà gì từ dưới quê gửi lên (như cua, tôm, bồn bồn, bánh phồng tôm...) chú đều gọi chúng tôi vào để “liên hoan”…

Chúng tôi qua lại với nhau thời gian dài như vậy, có người thấy lạ cũng hỏi, bởi họ biết hai bên không có họ hàng gì. Những lúc như vậy, tôi cũng chỉ biết cười và trả lời đó là bởi một chữ “duyên”. Cảm ơn nhân duyên đã giúp vợ chồng tôi quen biết chú thím để rồi chúng tôi có được một tình bạn vong niên đẹp!.

  • Từ khóa
194400

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu