Thứ 6, 26/04/2024 18:46:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:36, 12/11/2017 GMT+7

Danh tướng không gặp thời

Chủ nhật, 12/11/2017 | 08:36:00 1,232 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam thực lục”, Nguyễn Hoằng Dụ là tướng nhà Lê sơ, người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa (Thanh Hóa). Cha là Nghĩa quốc công Nguyễn Văn Lang - trọng thần triều vua Lê Uy Mục, Lê Tương Dực; người đã chỉ huy quân triều đình đánh bại cuộc khởi nghĩa của Trần Tuân. Nguyễn Hoằng Dụ khi 8 tuổi đã biết làm văn, 15 tuổi thông thuộc võ nghệ.

Triều vua Hiến Tông nhà Lê, Nguyễn Hoằng Dụ làm kinh lược sứ Đà Giang, đến khi vua Uy Mục lên ngôi, ông về Tây Kinh cùng cha là Nguyễn Văn Lang giúp Lê Oanh khởi binh ở Thanh Hoa, mưu việc giữ yên xã tắc. Khi Lê Oanh lên làm vua (tức Tương Dực đế), cha ông được phong làm Nghĩa quốc công; Nguyễn Hoằng Dụ được phong làm Thái phó Yên hòa hầu vào năm 1510. Một trọng thần khác là Mỹ Huệ hầu Trịnh Duy Sản do lập nhiều công lao và chỉ huy cấm binh đã có lòng kiêu lộng. Thời Văn Lang còn sống đã mâu thuẫn với Trịnh Duy Sản vì 2 người cùng là tướng có công lớn với triều đình, sinh ra ganh ghét nhau. Năm 1513, sau khi Văn Lang chết Duy Sản càng tỏ ý kiêu căng.

Minh họa: S.H

Khi ấy, vua Lê Tương Dực làm nhiều chuyện thất đức, Trịnh Duy Sản nhiều lần can gián trái ý vua, bị phạt trượng. Trịnh Duy Sản từ đó ngấm ngầm cùng Thái sư Lê Quảng Độ, Thượng thư Trình Chí Sâm mưu lập vua mới. Tháng 3-1516, Thuần Mỹ điện giám Trần Cảo ở trang Dưỡng Chân, huyện Thủy Đường khởi binh chống lại triều đình. Trần Cảo thấy lời sấm nói rằng, phương đông có vượng khí thiên tử, liền ngầm mưu việc làm phản, rồi chiếm cứ các nơi ở 2 huyện Thủy Đường và Đông Triều, trấn Hải Dương. Tháng 4, Trần Cảo đem quân qua các huyện Tiên Du, Quế Dương, Gia Lâm, tiến sát đến bến Bồ Đề, bị cách sông không sang được. Vua Lê Tương Dực tự thân cầm quân đánh bại quân Trần Cảo. Trần Cảo phải chạy về Ngọc Sơn. Vua lại sai các tướng đánh, nhưng quan quân đánh không được. Nguyễn Hoằng Dụ đem quân đóng ở dinh Bồ Đề.

Trịnh Duy Sản nhân loạn Trần Cảo bèn sửa soạn thuyền bè, khí giới ở bến Thái Cực, rồi nói phao lên là đi đánh giặc, nhưng sau đó thì lại kéo quân vào cung giết vua Lê Tương Dực ở nhà Thái Học. Sau đó, Duy Sản lập chắt Lê Thánh Tông là Lê Y lên làm vua, tức Lê Chiêu Tông, rồi đưa về Tây Đô.  Khi ấy, An Hòa hầu Nguyễn Hoằng Dụ đóng quân ở Bồ Đề, nghe tin Trịnh Duy Sản làm việc thí nghịch, liền nổi giận đem quân vượt sông, đốt phá phố xá ở kinh thành, định cùng với con em gia thuộc tính việc báo phục rồi bắt Vũ Như Tô, là người đốc việc làm đền - đài cho vua Tương Dực, đem chém ở ngoài thành.

Nhân đấy Trần Cảo qua sông, vào chiếm cứ kinh thành, xưng niên hiệu là Thiên Ứng, ngự triều xưng làm vua. Trịnh Duy Sản nhân danh vua Chiêu Tông từ thành Tây Đô tập hợp quân các trấn về đánh Trần Cảo ở kinh thành. Nguyễn Hoằng Dụ hưởng ứng lời gọi, theo đường phủ Trường Yên, Lý Nhân cùng tiến vào Thăng Long với các tướng Nguyễn Văn Lự, Trịnh Tuy.

Quân triều đình tiến đánh kinh thành, vây 4 mặt. Quân Trần Cảo núng thế, nhưng quân Lê vẫn chưa chiếm lại được Thăng Long, bèn chuyển sang vây phía tây. Sau đó, các đạo quân nhà Lê hợp lại phá tan quân Trần Cảo. Vua Chiêu Tông trở lại kinh đô. Tháng 11-1516, Nguyễn Hoằng Dụ theo Trịnh Duy Sản dẫn các tướng đi đánh Trần Cảo ở xã Trâu Sơn, huyện Chí Linh (Hải Dương). Chiến sự bất lợi, Duy Sản nôn nóng muốn thắng nên bị quân Trần Cảo lừa bắt sống rồi giết chết.

Nguyễn Hoằng Dụ dẫn tàn quân bỏ chạy về kinh đô. Trần Cảo nhân đà thắng trận tiến quân thẳng đến Bồ Đề. Kinh thành lại nguy cấp. Lê Chiêu Tông liền sai Thiết Sơn bá Trần Chân (con nuôi Trịnh Duy Sản) mang quân ra đón đánh. Trần Chân phá tan được quân Trần Cảo. Cảo lại lẩn lút ở Lạng Nguyên không dám ra, sau đó truyền ngôi cho con là Cung rồi cạo đầu làm sư để trốn tránh.

Lời bàn:

Nhà Lê sơ tồn tại trong khoảng 100 năm (1428-1527) với 2 giai đoạn khác nhau: Giai đoạn thịnh trị, tính từ đời vua sáng lập vương triều là Lê Thái Tổ đến năm 1504 đời Lê Túc Tông. Đây là giai đoạn quốc gia Đại Việt được trị vì bởi các đấng minh quân, đặc biệt là vua Lê Thánh Tông. Lịch sử đã tôn vinh ông là vị anh quân, một ông vua giỏi, có đường lối chính trị rõ, có chủ trương giáo dục quốc dân chu đáo. Ông đề ra pháp luật đúng đắn, sử dụng quan lại đúng sức, đúng tài. Giai đoạn suy vong tính từ khi Lê Uy Mục chấp chính 1505 cho đến đời vua cuối cùng là Lê Cung Hoàng 1527. Đây là giai đoạn chính sự nhà Lê đổ nát, vua ăn chơi sa đọa, quan lại đua nhau đục khoét của dân.

Xuyên suốt lịch sử nước ta, các triều đại phong kiến thay nhau cầm quyền, thịnh suy mỗi thời mỗi khác nhưng không một bộ máy cầm quyền nào của chế độ phong kiến có thể duy trì sự thống trị của mình mãi mãi được. Bởi sau quá trình phát triển đến đỉnh cao, nước nhà thịnh vượng thì các triều đại phong kiến ấy nhanh chóng thoái trào và đi đến con đường sụp đổ. Nguyên nhân là do pháp luật không được thượng tôn. Những người giàu có quyền lực và đứng trên pháp luật thì những tướng tài và công thần như Nguyễn Hoằng Dụ cũng không thể cứu vãn được cái xã hội đã đứng bên bờ diệt vong.

N.D

  • Từ khóa
109981

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu