Thứ 5, 09/05/2024 15:17:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 09:49, 26/04/2023 GMT+7

Vai trò của Đảng bộ tỉnh trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thứ 4, 26/04/2023 | 09:49:54 1,259 lượt xem

*NGUYỄN HỒNG TRÀ
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Tham nhũng là căn bệnh có mầm mống phát sinh từ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đang hiện thân trong các cơ quan của Đảng, chính quyền và bộ máy nhà nước các cấp. Ngày nay, tham nhũng ngày càng tinh vi, được xem như một vi rút đã nhờn thuốc nếu chúng ta không có những vắc xin cơ chế thật mạnh để loại bỏ khỏi xã hội. Để làm được điều này, trong những năm qua, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành nhiều văn bản, quy định, quyết định thiết lập cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo từng cấp, ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc quyền hạn được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn.

PCTN phải bắt đầu từ công tác cán bộ

Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác phát hiện. Một số người đứng đầu chưa sâu sát trong chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (PCTN). Công tác quản lý, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp dưới và tự kiểm tra trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương mình để kịp thời phát hiện và có hướng xử lý, giải quyết đối với những hành vi sai phạm có lúc, có nơi chưa được chỉ đạo triển khai thường xuyên, còn mang tính thụ động. Việc quán triệt, chỉ đạo thực hiện công tác đánh giá, sơ kết, tổng kết trong một số trường hợp chưa quyết liệt, chưa đảm bảo thực chất, khách quan, còn mang tính hình thức. Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục để huy động sự tham gia của toàn xã hội trong việc phản ánh, tố giác tội phạm đôi khi chưa được người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả.

Để khắc phục những nhược điểm, hạn chế nêu trên, Tỉnh ủy Bình Phước định hướng những giải pháp thực hiện trên toàn hệ thống chính trị của tỉnh trong thời gian tới, đó là:

Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo tập trung rà soát các cơ chế, chính sách để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của tỉnh về phòng ngừa nhằm hạn chế tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để ngăn chặn nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng chính sách, chủ trương. Nâng cao năng lực, trách nhiệm, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc thi hành pháp luật và thực thi nhiệm vụ được giao. Triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Định kỳ hằng năm xây dựng, ban hành, công khai kế hoạch, danh mục vị trí công tác, thời hạn chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo khách quan, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện chuyển đổi số gắn với cải cách thủ tục hành chính, đổi mới cách thức làm việc của các cơ quan nhà nước hướng tới phục vụ doanh nghiệp và người dân tốt hơn. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 3-1-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 8-2-2022 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 về phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; Quy định số 02-QĐ/TU ngày 23-8-2017 của Tỉnh ủy về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Triển khai kế hoạch xác minh; xử lý nghiêm hành vi kê khai không trung thực, không thực hiện tốt việc giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kê khai tài sản và thu nhập đối với các đối tượng phải kê khai.

Tỉnh ủy xác định PCTN, lãng phí, tiêu cực ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trước hết phải bắt đầu từ công tác cán bộ. Không để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong việc bổ nhiệm, quy hoạch, luân chuyển, điều động cán bộ và tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để kiểm soát quyền lực.


Tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực

Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ và siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy cán bộ đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển, có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực, không để tình trạng chạy chức, chạy quyền. Lựa chọn, bố trí cán bộ có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ năng lực, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra của người đứng đầu và công tác tự kiểm tra của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chấp hành pháp luật. Cơ quan cấp trên tập trung thanh, kiểm tra, giám sát cấp dưới vào các lĩnh vực chuyên ngành trọng điểm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm. Tập trung chỉ đạo xử lý sau thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản do vi phạm tham nhũng, tiêu cực và công khai kết quả thanh tra, xử lý các vụ việc tham nhũng theo quy định.


Tập trung kiểm tra, giám sát cấp dưới và cơ sở việc thực hiện các quy định nêu gương; quy định về những điều đảng viên không được làm; tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; kiểm tra, giám sát các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, dễ xảy ra sai phạm. Chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cấp ủy viên các cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý, trước hết là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Thực hiện tốt công tác xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Tỉnh ủy. Tập trung điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã khởi tố, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo; những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm theo đúng tinh thần, chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh và các văn bản pháp luật liên quan đến công tác PCTN, tiêu cực.

Nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và Kế hoạch số 41-KH/TU ngày 9-9-2021 của Tỉnh ủy nhằm nâng cao hơn nữa tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và trong giai đoạn thi hành án. Khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nhằm tránh gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các huyện, thị xã, thành phố. Nếu công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được thực hiện nghiêm túc sẽ phát hiện kịp thời những vi phạm của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng; đồng thời sẽ là lời cảnh tỉnh, răn đe đối với những cán bộ, đảng viên đã và đang có ý định thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Hiện nay, tính chất các vụ việc tham nhũng chức vụ ngày càng phức tạp, trong khi cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị trong hoạt động kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng chưa đầy đủ cơ sở dữ liệu thông tin về đối tượng bị kiểm tra. Bên cạnh đó, nhận thức của lãnh đạo, cán bộ nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa đầy đủ rất dễ xảy ra việc tiêu hủy, bao che, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai sự thật dẫn đến khó khăn cho công tác điều tra cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, tham nhũng. Vì vậy, cần tập trung kiểm tra, giám sát những người thân tín trong cùng một cơ quan, đơn vị, kể cả người thân tín của họ đang hoạt động trong các cơ quan, đơn vị khác nhằm đánh giá, kết luận có hành vi bao che, tiếp tay cho tiêu cực một cách khách quan, trung thực và hiệu quả.

Đảng bộ các cấp phải ưu tiên tập trung giải quyết tốt vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, phải xem đây là một yêu cầu nhiệm vụ rất quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay. Đồng thời, tổ chức thực hiện và giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao của đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác lãnh đạo, quản lý. Nâng cao chất lượng, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp chiến lược từ tỉnh đến cơ sở để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế làm hạn chế những ý tưởng tham nhũng được xem là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng bộ tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

  • Từ khóa
166390

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu