Thứ 5, 09/05/2024 17:29:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 08:46, 24/04/2023 GMT+7

Vai trò của Đảng bộ tỉnh trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thứ 2, 24/04/2023 | 08:46:56 1,418 lượt xem

*NGUYỄN HỒNG TRÀ,
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Tham nhũng là những hành vi trái phép, bất hợp pháp. Đặc điểm chung của tham nhũng là người thực hiện hành vi có chức, có quyền, sử dụng chức vụ và quyền hạn như một phương tiện để trục lợi. Tham nhũng là lạm dụng quyền lực được giao để thu lợi cá nhân, do đó trên thực tế, các hành vi tham nhũng trong những năm qua đã và đang xảy ra khắp nơi từ bệnh viện, trường học, các cơ quan công quyền ở cơ sở nơi hằng ngày trực tiếp giải quyết những công việc liên quan lợi ích của nhân dân. Ngày nay, tham nhũng diễn ra ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích “tham nhũng lớn” hay “tham nhũng vặt”, làm xói mòn lòng tin của nhân dân.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể thành viên trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, chủ trương, giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, tiêu cực. Tuy bước đầu còn nhiều khó khăn nhưng đã đạt những kết quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và các cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ xây dựng, hướng dẫn và triển khai thực hiện Luật PCTN và các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng, ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan cùng cấp để thực hiện nghiêm công tác đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 21-8-2006 về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”, Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí, ngày 22-3-2017, Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Quyết định số 546-QĐ/TU ban hành Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2016-2020”. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục PCTN được tổ chức thực hiện dưới nhiều hình thức. Các giải pháp PCTN được tăng cường triển khai, thực hiện đồng bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo về PCTN luôn được tăng cường; đã kiên quyết xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên có hành vi sai phạm liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Công tác xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng đạt nhiều kết quả tích cực, qua đó góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Công tác phát hiện vẫn là khâu yếu

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác PCTN của tỉnh thời gian qua vẫn còn những hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, lãng phí, tiêu cực tuy đã được triển khai đồng bộ nhưng nội dung và phương pháp chưa sinh động, dẫn đến chưa thực sự làm chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm của toàn dân cùng tham gia đấu tranh PCTN, lãng phí. Người dân và doanh nghiệp còn tâm lý chấp nhận chi phí không chính thức để thuận lợi hơn khi giải quyết công việc. Tâm lý thờ ơ, ngại đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, công chức, viên chức; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí. Việc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng còn ít. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tuy được triển khai đồng bộ, song khi đi vào thực hiện vẫn có giải pháp mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự chủ động. Số cuộc kiểm tra, thanh tra về PCTN và việc phát hiện hành vi tham nhũng qua hoạt động này chưa nhiều.

Công tác phát hiện và xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng luôn được Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, tuy nhiên đây vẫn là khâu yếu trong công tác PCTN. Việc phối hợp trong giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng giữa các cơ quan chức năng có thẩm quyền có lúc, có nơi chưa tốt, nhất là trong việc giám định, định giá về tài chính, xây dựng... Nhiều chi bộ, tổ chức đảng chưa quản lý tốt đảng viên, chưa phát hiện và đấu tranh kịp thời những trường hợp có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí và thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Hoạt động giám sát về công tác PCTN của MTTQ, HĐND và các tổ chức chính trị xã hội các cấp chưa thực sự hiệu quả. Rất nhiều cuộc giám sát được triển khai, thực hiện nhưng chưa phát hiện vụ việc sai phạm nào liên quan đến tham nhũng.

Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng ở các cơ quan, địa phương, đơn vị còn mang tính hình thức. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là tự phát hiện, xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Nhiều trường hợp xử lý chưa nghiêm, còn tình trạng lạm dụng xử lý hành chính, số vụ việc, vụ án được phát hiện chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, lãng phí hiện nay…

Ở một số đơn vị, địa phương còn biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm, thậm chí nương nhẹ trong kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm liên quan đến tham nhũng. Có trường hợp việc xử lý vi phạm chưa tương xứng với hành vi sai phạm. Tổ chức bộ máy các cơ quan chức năng PCTN, tiêu cực chưa thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến các địa phương. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tham mưu lĩnh vực PCTN tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.


Phòng ngừa là chính, xử lý là quan trọng, cấp bách

Trên cơ sở kế thừa các kết quả đạt được trong thực hiện Đề án 546 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác PCTN, đặc biệt nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực trong tình hình mới, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, yêu cầu các tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở trong thời gian tới cần tập trung lãnh đạo khắc phục một số hạn chế sau:

Phát huy vai trò giám sát của HĐND các cấp; giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác PCTN, lãng phí; kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn, lấy công tác phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài và phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh PCTN, tiêu cực. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; đặc biệt trách nhiệm nêu gương, sự chủ động, tích cực của người đứng đầu trong công tác PCTN, tiêu cực.

Tập trung xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức kỷ cương, liêm chính. Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường ý thức tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân hướng tới hành động cụ thể, thiết thực, kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân.

Nâng cao tính tiên phong, gương mẫu, vai trò, trách nhiệm của bí thư, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị, địa phương, trực tiếp phụ trách, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác PCTN, tiêu cực với quan điểm lấy phòng ngừa là chính. Chủ động tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Chịu trách nhiệm trước cấp ủy và cấp trên trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương do mình quản lý, phụ trách. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch. Chủ động cung cấp thông tin chính xác, khách quan về PCTN, tiêu cực, phòng chống “diễn biến hòa bình”.

Để công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực đạt hiệu quả cao hơn nữa, các tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ phải kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phải đẩy mạnh giáo dục liêm chính, hình thành “văn hóa nêu gương”, “nói đi đôi với làm”; văn hóa “trọng liêm sỉ, danh dự” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân.

(còn nữa)

  • Từ khóa
166267

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu