Thứ 5, 09/05/2024 10:06:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 10:07, 28/07/2022 GMT+7

Giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh giai đoạn hiện nay

Thứ 5, 28/07/2022 | 10:07:22 2,396 lượt xem

(Tiếp theo kỳ trước)

*NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Trong giai đoạn hiện nay, quá trình mở cửa nền kinh tế và hội nhập quốc tế kéo theo sự tác động lớn về mọi mặt. Đội ngũ cán bộ, đảng viên dễ bị ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường, nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Mặt khác, Bình Phước còn nhiều khó khăn về con người, cơ sở vật chất. Bên cạnh những kết quả đạt được, văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần wthứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thẳng thắn thừa nhận: “Công tác phòng, ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu, kỳ vọng của nhân dân; công tác hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng vẫn còn chậm; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; cán bộ công chức, viên chức dám đứng ra tố cáo hành vi tham nhũng còn ít, chủ yếu là các vụ việc chỉ được phanh phui từ việc phát hiện tố cáo của nhân dân…”.

Để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh thời gian tới thực sự có hiệu quả, ngày 7-7-2022, Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 639-QĐ/TU thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bình Phước gồm 15 đồng chí. Qua đó thống nhất khẳng định toàn hệ thống chính trị của tỉnh phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa mục tiêu, quan điểm và các giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật, nhằm tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa, củng cố niềm tin của nhân dân và toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đây là nhiệm vụ không mới nhưng rất quan trọng, qua đó cấp ủy, tổ chức đảng, sở, ngành, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên phải nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với các việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân, với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền; bảo vệ cái đúng, chỉ rõ cái sai, can ngăn những việc làm chưa đúng, phát hiện và xử lý kịp thời việc lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh thực sự có hiệu quả, đáp ứng được lòng mong mỏi của các tầng lớp nhân dân, yêu cầu các tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số việc sau đây:

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng. Phải khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; làm cho mọi người thấy rõ việc chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm “chậm lại” sự phát triển, mà ngược lại, càng làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động. Bảo vệ, khen thưởng, động viên những người tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, lợi dụng phòng, chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước; xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu.

Tập trung hoàn thành việc xây dựng các quy định của ban chấp hành đảng bộ các cấp về phòng, chống tham nhũng, nhất là: Hoàn thiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; quy định về việc ngăn chặn những người có chức, có quyền lợi dụng cương vị công tác để trục lợi; quy định về cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định về điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp; cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…

Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, “lợi ích nhóm”. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước; đối với những người vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên để kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, quyết liệt hơn công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng. Tăng cường giám sát của tổ chức đảng từ trên xuống, giám sát từ dưới lên, phát huy vai trò giám sát lẫn nhau trong cùng cấp, tăng cường quản lý, giám sát thường ngày đối với đảng viên và cán bộ lãnh đạo. Xử lý nghiêm kỷ luật của Đảng, đồng thời kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Nơi nào tự kiểm tra không phát hiện hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không “rút kinh nghiệm” chung chung, tránh tình trạng bao che sai phạm trong nội bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, việc sử dụng quyền lực của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, tăng cường giám sát trong nội bộ tập thể lãnh đạo; công khai quy trình sử dụng quyền lực theo pháp luật để cán bộ, nhân dân giám sát. Phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị “tha hóa”; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; và quan trọng hơn là phải ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phải “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”.

Tiếp tục từng bước kiện toàn, phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan phòng, chống tham nhũng, giúp việc cấp tỉnh và cơ quan tham mưu giúp việc từ tỉnh đến cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan nội chính, kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử phải thực sự là những “thanh bảo kiếm” sắc bén, có dũng khí đấu tranh ngăn chặn những việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân; có nghiệp vụ, bản lĩnh bảo vệ cái đúng, chỉ rõ cái sai, can ngăn những việc làm chưa đúng... 

Điều đặc biệt quan trọng có ý nghĩa quyết định là, những người làm công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, những người trực tiếp làm việc trong các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng nói riêng phải thật sự liêm chính, trong sạch, biết gương mẫu giữ mình, trọng liêm sỉ, không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào, bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội.


Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và chính quyền các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi người dân phát huy dân chủ, thực hiện đúng quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và chủ trương: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; tích cực lao động, sản xuất, học tập, công tác; nhận thức, giải quyết hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ, bảo đảm công bằng, bình đẳng.

Thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức - cán bộ một cách dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ của hệ thống chính trị, nhất là trong các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật. Kiên quyết không bố trí những cán bộ, đảng viên không đủ tiêu chuẩn về đạo đức, năng lực vào các vị trí lãnh đạo, dù người đó là ai, xuất thân từ gia đình nào, mà phải căn cứ vào năng lực, phẩm chất đạo đức để bố trí, sắp xếp cán bộ. Không bố trí những cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng chưa được làm rõ vào các cương vị chủ chốt, đứng đầu các tổ chức, sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, những vị trí liên quan đến tiền, hàng, công tác tổ chức, cán bộ, công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án... Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tu dưỡng, rèn luyện bản thân trong mọi hoàn cảnh, thường xuyên tự soi, tự sửa với tinh thần “còn Đảng thì còn mình” và “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.

Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng, cần vận dụng tốt bài học “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”. Cơ quan chức năng các cấp chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền nghiên cứu, rà soát, bổ sung, ban hành quy chế, chính sách phù hợp để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp từ tỉnh đến cơ sở phát huy tốt vai trò đoàn kết, tập hợp nhân dân; huy động “tai, mắt” của mọi lực lượng, các giai tầng xã hội, kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng. Đồng thời, sớm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng. Từng bước mở rộng các hình thức lấy ý kiến của nhân dân về phẩm chất, năng lực, nhất là sự liêm chính đối với từng chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý. Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phúc đáp những ý kiến phản ánh, khiếu nại, tố cáo của nhân dân về hành vi tham nhũng, thuyết phục người dân và xã hội đồng thuận, tuân thủ trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật. Tăng cường tính công khai, minh bạch, vô tư, độc lập trong các lĩnh vực để nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng bộ và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.

Tham nhũng nhất định phải được ngăn chặn, đẩy lùi, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

  • Từ khóa
147464

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu