Thứ 5, 09/05/2024 23:22:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 15:05, 25/07/2022 GMT+7

Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trong phòng, chống tham nhũng

Thứ 2, 25/07/2022 | 15:05:49 1,575 lượt xem

*NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Trong những năm qua, đảng bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược cơ bản đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp có tính kế thừa, liên thông, kế cận, đảm bảo bản lĩnh chính trị, trí tuệ, sự gương mẫu, có tinh thần vì nhân dân phục vụ.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn nhất quán quan điểm Đảng lãnh đạo công tác cán bộ, cải cách hành chính và đẩy mạnh tiến độ phân cấp, phân quyền, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố. Các quy chế phối hợp, quy trình thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng được thực hiện nghiêm túc, góp phần tích cực vào việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị về công tác phòng, chống tham nhũng và xây dựng đảng trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện, xem xét, xử lý các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần phòng, ngừa, ngăn chặn vi phạm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. “Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh đã thực hiện giám sát chuyên đề 2.908 lượt tổ chức đảng và 2.099 đảng viên; kiểm tra 2.698 tổ chức đảng và 4.333 đảng viên. Kết quả tỷ lệ đảng viên vi phạm phải xử lý kỷ luật tăng 28,4% so với nhiệm kỳ trước”.

Những năm gần đây, công tác phòng, chống tham nhũng được tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách vừa khó khăn, phức tạp và lâu dài. Trong giai đoạn hiện nay, hơn bao giờ hết, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đòi hỏi sự lãnh đạo toàn diện và quyết liệt của đảng bộ các cấp, đồng thời cần được tiếp tục đổi mới để đạt được hiệu quả cao hơn nữa. Đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn đang hiện hữu hằng ngày trong cuộc sống ở các cơ quan, địa phương, đơn vị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã nhận định: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của các cấp ủy đảng; đổi mới và nâng cao hiệu quả của công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức cán bộ, kiểm tra, giám sát và vận động quần chúng của Đảng, đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống, nâng cao tính tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ năng lực, phẩm chất, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng trong cả nước nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, ngại va chạm; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu… Trong khi đó, không chỉ các vụ “tham nhũng lớn” mà ngay cả “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn còn nhiều, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Việc chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực và công tác kiểm tra, giám sát, việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm thực hiện nghiêm đã tạo “kẽ hở” cho việc lạm quyền để trục lợi của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu rèn luyện đạo đức, tham lợi, vụ lợi bất chính...

Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu các tổ chức đảng, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị phải nhận diện rõ một số biểu hiện sau:

Bản chất của tham nhũng là lạm dụng quyền lực được giao để thu lợi cá nhân. Do đó, trên thực tế, trong những năm qua, các hành vi tham nhũng nêu trên đã và đang xảy ra không chỉ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, ở những chương trình, dự án lớn có giá trị hàng ngàn tỷ đồng (tham nhũng lớn) mà còn xuất hiện nhiều tại các bệnh viện, trường học, các cơ quan công quyền ở cơ sở nơi hằng ngày trực tiếp giải quyết những công việc liên quan lợi ích của nhân dân (tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt). Các dạng thức tham nhũng diễn ra ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích “tham nhũng lớn” hay “tham nhũng vặt” - hành vi của những người đang chịu trách nhiệm thực thi công vụ, quản lý trong một tổ chức có động cơ, vì lợi ích cá nhân, trục lợi trên cương vị của mình, sẵn sàng “ăn không từ thứ gì”. Các hành vi nêu trên đều gây hậu quả nặng nề, đều là trở lực lớn đối với quá trình phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh và còn ảnh hưởng tới quá trình đổi mới đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Thời gian qua, tham nhũng không chỉ xảy ra trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai… mà còn lan rộng sang các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục thể thao; trong các chương trình trợ cấp cho các đối tượng, các gia đình chính sách, các chương trình cứu trợ đồng bào gặp thiên tai, quá trình xét duyệt công nhận di tích lịch sử, văn hóa và trong công tác thi đua, khen thưởng...

Tham nhũng làm thay đổi mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội như kinh tế, luật pháp, dân chủ, luân lý, giáo dục... xâm phạm, thậm chí làm xê dịch, thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức trong hệ thống các cơ quan công quyền, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Tham nhũng không chỉ làm xói mòn niềm tin của người dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn “tiếp tay” cho các thế lực thù địch, phản động trong việc bôi nhọ, hạ uy tín, vị thế của Đảng trong phạm vi quốc gia cũng như trên trường quốc tế.


Tham nhũng - những lợi ích bất chính đã hoặc sẽ có được khiến nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo các cấp “không giữ được mình”, không gương mẫu trong thực thi trọng trách được giao, “nói một đằng, làm một nẻo”, không còn xứng đáng với vai trò tiền phong. Họ đã bất chấp việc vi phạm pháp luật mà làm trái công vụ, trái lương tâm, đạo đức nghề nghiệp… để vụ lợi, trục lợi cho mình, người thân, cánh hẩu của mình, nhóm lợi ích của mình... dẫn đến làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, gây bất bình, bức xúc, thậm chí phản ứng của nhân dân đối với các cơ quan công quyền. Tuy các tệ nạn này biểu hiện trong đời sống xã hội dưới nhiều dạng khác nhau, song các hành vi tham ô, tham nhũng dù là “lớn” hay “vặt” cũng đều là “ăn cắp của công làm của tư”, “đục khoét của nhân dân”, “ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”, cho nên muốn Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, chiếm trọn lòng tin của nhân dân, các tổ chức đảng phải “Chống nạn tham ô, chống nạn lãng phí, chống bệnh quan liêu”. Chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu là rất cần thiết, “quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận” tư tưởng và chính trị, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh.

Tiếp tục thực hiện chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong công tác phòng, chống tham ô, tham nhũng, quan liêu, chống thứ “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm” với quyết tâm chính trị cao, từ tỉnh đến các địa phương đều thống nhất triển khai chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu với tinh thần: “Phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sinh hoạt của mỗi cán bộ, đảng viên, chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của nhân dân trong các hoạt động không mang lại lợi ích về vật chất, tinh thần cho nhân dân, hạn chế tiệc tùng, tiếp khách trong các dịp liên hoan, hội nghị ; “Phải chấm dứt nạn phô trương, lãng phí” trong những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, chấm dứt cái thói “xem thường pháp luật, chính quyền”, “hy sinh lợi ích của nước nhà để lên mặt mình khẳng khái” của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức quyền; Phải chống nạn ăn cắp của công mà các cơ quan quen gọi trộm cắp “đường hoàng” vì “đó là một điều đáng chú ý, một điều đáng nguy hiểm”; đồng thời, cũng phải chống bọn “trộm cắp kín đáo”, “bọn trộm cắp tinh vi”, để chúng “không sống còn được”…

 Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, đặc biệt là Kết luận số 12-KL/TW ngày 6-4-2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

(còn nữa)

  • Từ khóa
147137

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu