Thứ 5, 09/05/2024 02:16:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 10:41, 13/11/2021 GMT+7

Thu hồi tài sản tham nhũng - kẽ hở từ pháp luật

Thứ 7, 13/11/2021 | 10:41:08 1,070 lượt xem
BPO - Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, là sản phẩm của sự tha hóa quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Tại Đại hội XII, Đảng ta đã chỉ ra: “Nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng”. Cũng từ Đại hội XII, công cuộc chống tham nhũng do Đảng ta phát động bước sang một giai đoạn mới, với những chủ trương, cách làm, hướng đi ngày càng quyết liệt, triệt để và “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản tham nhũng lại chưa tương xứng với quyết tâm, gây bức xúc trong xã hội và một trong những nguyên nhân là do kẽ hở từ pháp luật.

Thượng tôn pháp luật

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và quyết tâm chính trị cao, cùng với hành động kiên quyết, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Cụ thể là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng. Đặc biệt, các cấp có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, gồm: 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Cùng với đó, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm. Phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” đã được các cơ quan quán triệt thực hiện nghiêm túc, xuyên suốt và có hiệu quả. Theo đó, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo. Riêng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Phần nổi của tảng băng 

Một trong những vấn đề nóng tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV là việc thu hồi tài sản tham nhũng. Và đây cũng là vấn đề đông đảo nhân dân trong cả nước quan tâm từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Vì theo báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra từ Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì tổng số tiền đã thu được trong các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn là khoảng 4 ngàn tỷ đồng. Các cơ quan chức năng đang tổ chức thi hành trên 34 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số tiền phải thi hành là trên 72 ngàn tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng là quá thấp. 

Hiện nay, còn rất nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây thiệt hại lớn, thậm chí rất lớn cho Nhà nước nhưng mới thu hồi được những khoản tiền bồi thường “nhỏ giọt”. Ví như: Vụ án Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines và đồng phạm phải bồi thường 110 tỷ đồng, nhưng mới thi hành được trên 21 tỷ đồng. Vụ “đại án” kinh tế Huỳnh Thị Huyền Như, tòa tuyên án bị cáo phải sung công 9.000 tỷ đồng, nhưng qua thẩm tra, thẩm định, chỉ thu về cho Nhà nước được hơn 500 tỷ đồng. Hay như bị cáo Đinh La Thăng mới chỉ nộp được 4,5 tỷ đồng trên tổng số 630 tỷ đồng phải thi hành trong 2 vụ án. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty xây lắp Dầu khí Việt Nam cũng mới chỉ thi hành xong 31 tỷ đồng trong tổng số bồi thường là 122 tỷ đồng.

Từ những con số nêu trên cho thấy, dù quyết tâm chính trị có cao đến mấy, các cơ quan tiến hành tố tụng có làm tốt đến bao nhiêu và bản án xét xử có nghiêm minh đến đâu, nhưng việc thi hành không đạt hiệu quả, truy thu ngân sách nhà nước thấp thì mục tiêu không đạt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế đạt thấp, trong đó nguyên nhân chính đã được xác định là do kẽ hở trong hành lang pháp luật có liên quan.

Kẽ hở “voi” đi lọt

Kẽ hở đầu tiên và lớn nhất về pháp lý đã ngăn cản việc thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản bất minh là cơ chế “người phạm tội hưởng quyền bất khả xâm phạm về tài sản”. Cụ thể là tại khoản 1, Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định: Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại. Theo quy định này thì việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng khi nào đối tượng bị khởi tố bị can hoặc bị đưa đi xét xử. Như vậy, trong khoảng thời gian trước đó thì dù đối tượng có bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong thời gian khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can cũng đều được miễn trừ trách nhiệm đối với tài sản. 

Với quy định nêu trên đã vô hình trung tạo ra “thời gian vàng” giúp tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản phạm tội mà có. Đã có rất nhiều vụ án tham nhũng, đại án kinh tế mà số tiền, tài sản bị thất thoát, bị chiếm dụng lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng không thu hồi được, vì số tài sản này đã bị sang tên, chuyển nhượng cho người khác. Chính sự chậm trễ hoặc bỏ qua việc kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra, truy tố nên khi cơ quan điều tra tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì Phan Văn Anh Vũ - Vũ “nhôm” đã tẩu tán tài sản bằng việc đồng loạt thoái vốn tại những công ty do ông ta làm chủ. Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, ngày 26-4-2017, Vũ “nhôm” đã rút toàn bộ 650 tỷ đồng, tương đương 92,86% vốn từ Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, các cơ quan chức năng đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, với 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, gồm: 1 ủy viên Bộ Chính trị; 7 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng; 4 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang... Đây là những con số tuy đáng buồn, nhưng một lần nữa khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, rằng “không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào” và “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Tất cả hành vi vi phạm đều được xử lý theo đúng quy định pháp luật, “bất kể người đó là ai”.

Tiếp đó, khoản 3 điều này còn quy định: Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp hoặc người thân thích của họ bảo quản. Người được giao bảo quản mà có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Chính quy định này đã và đang làm khó các cơ quan tố tụng. Vì, thứ nhất là nội hàm của cụm từ “có thể” rất trừu tượng và được hiểu là phụ thuộc vào tương lai, chưa khẳng định bị can, bị cáo có bị kết tội hay không; đối tượng có hay không bị áp dụng chế tài dân sự và bằng hình thức nào? Thứ hai là với cụm từ “chỉ kê biên phần tài sản tương ứng”, được hiểu là giá trị của tài sản bị kê biên phải bảo đảm ngang bằng với mức hình phạt mà bị can, bị cáo có thể bị áp dụng khi kết án.

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, chúng ta mới chỉ kiểm soát tài sản của người trong hệ thống chính trị. Còn tài sản của những đối tượng ngoài xã hội đang đứng tên, chiếm hữu, sở hữu mà có thể nó là hợp pháp hay không hợp pháp thì không ai biết. Vì thế, nếu chưa có luật đăng ký tài sản thì tài sản tham nhũng mà các đối tượng có thủ đoạn che giấu bằng việc nhờ người khác đứng tên như: xe ôtô, nhà, đất..., thì Nhà nước không thể thu hồi được. Thậm chí dù chủ sở hữu tài sản không giải trình được nguồn gốc, tức tài sản đó là bất minh, nhưng cũng không có cơ sở pháp lý để thu hồi. Do đó, chỉ khi nào những kẽ hở nêu trên được bịt kín, công tác thi hành án dân sự nói chung và việc thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng mới có kết quả như mong đợi.

LG: Diệp Viên

  • Từ khóa
132524

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu