Thứ 5, 09/05/2024 04:28:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 08:39, 18/04/2021 GMT+7

Quyết liệt hơn trong phòng, chống tham nhũng

Diệp Viên
Chủ nhật, 18/04/2021 | 08:39:05 821 lượt xem

BPO - Từ khi thành lập đến nay, trong suốt hơn 91 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ lãnh đạo cách mạng bằng chủ trương, đường lối, bằng công tác tư tưởng, lý luận mà còn bằng cả đạo đức. Đó là hành động tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tức là Đảng phải làm gương đi trước để làng nước theo sau. Điều này có nghĩa là Đảng phải thực sự trong sạch, liêm chính, gương mẫu và giữ mình. Vì có vậy mới giữ được uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân. Nhưng để làm được điều này, trước hết Đảng phải giữ được cốt cách, ngăn chặn được sự tư lợi, vun vén cá nhân. Mà muốn ngăn chặn được chủ nghĩa cá nhân, trước hết Đảng phải coi đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), xem đây là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài, kiên trì, quyết liệt, với quyết tâm cao. Từ đó, đưa cả xã hội cùng vào cuộc, từ trên xuống dưới cùng chung sức, đồng lòng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đã chỉ rõ: Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô… Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, chủ nghĩa xã hội (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, tr 88-92, Nhà xuất bản chính trị quốc gia năm 2011).

Tháng 3-1952, nhân dịp Đảng ta mở đợt vận động “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài nói quan trọng trước đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng. Người đã giải thích: Đứng về phía cán bộ mà nói, ăn cơm của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: “Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”, “tham ô, lãng phí là bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ”. Theo Người: “Tội lỗi ấy cũng nặng như tội Việt gian, mật thám” và cần phải được trừng trị thích đáng.

Bị cáo Đinh La Thăng cùng các đồng phạm tại phiên tòa xét xử vụ góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank - Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Những lời cảnh báo trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là nỗi trăn trở của Người về nạn tư lợi, tham ô, lãng phí và điều này đã, đang là nỗi nhức nhối của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Chính vì thế, từ Đại hội VII, Đảng đã coi đây là một trong 4 nguy cơ của nước ta. Đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4, khóa XI, Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... Nếu không ngăn chặn và khắc phục được sẽ là nguy cơ đe dọa sự lãnh đạo của Đảng và sự tồn tại của chế độ xã hội ta. Tính chất và tác hại nghiêm trọng của tham nhũng như khẳng định trên của Đảng có thể nói là đến mức tột đỉnh rồi.

Chính vì vậy, tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta đã khẳng định:… Đấu tranh PCTN, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, và của toàn bộ hệ thống chính trị. Kiên quyết PCTN, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí.

Cũng tại Đại hội XII, Đảng ta đã đề ra một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ "lợi ích nhóm"; chống đặc quyền, đặc lợi, khắc phục "tư duy nhiệm kỳ"; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, MTTQ, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong đấu tranh PCTN, lãng phí. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế khuyến khích và bảo vệ tổ chức, cá nhân phát hiện, tố cáo tham nhũng, lãng phí.

Và cũng trong nhiệm kỳ XII, tính thượng tôn pháp luật đã được đề cao, tính nghiêm minh trong kỷ luật Đảng đã nâng cao hiệu quả công tác PCTN. Sự nghiêm minh này được thể hiện rõ qua số lượng cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật trong nhiệm kỳ vừa qua. Cụ thể là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (trong đó có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Bên cạnh đó, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm. Phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” đã được các cơ quan quán triệt thực hiện nghiêm túc, xuyên suốt và có hiệu quả.

Những kết quả nổi bật này một lần nữa khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh PCTN, rằng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào và không “chùng xuống”. Không những vậy, công tác PCTN được Đại hội XIII xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng và phải được thực hiện với quyết tâm chính trị cao hơn, quyết liệt hơn. Theo đó, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII đã khẳng định: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí; không có vùng cấm, không có ngoại lệ…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên, Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ các giải pháp quan trọng là phải đẩy mạnh việc hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội và PCTN, lãng phí, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Đồng thời, phải xây dựng cơ chế bảo vệ, khuyến khích mạnh mẽ người đứng đầu kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý tham nhũng và cơ chế bảo vệ, khuyến khích người tố cáo, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng… Có thể khẳng định rằng, đây là những giải pháp tích cực tạo thành cơ chế hữu hiệu nhất để không thể, không dám và hướng tới không cần tham nhũng.

  • Từ khóa
122378

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu