Thứ 2, 20/05/2024 01:05:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 00:00, 04/08/2011 GMT+7

Tự làm khó mình

Thứ 5, 04/08/2011 | 00:00:00 118 lượt xem

Ngày 16-3-2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn việc kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011.

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng 3 yêu cầu: Thứ nhất là sản xuất tại quốc gia được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo đảm ATTP hàng hóa. Thứ hai là bao gói hoặc chứa đựng trong các phương tiện phù hợp, ghi nhãn bằng tiếng Việt hoặc có nhãn phụ tiếng Việt. Thứ ba là đã được kiểm tra và chứng nhận ATTP theo quy định.

Cũng theo quy định của thông tư này, có 2 phương thức kiểm tra, lấy mẫu được áp dụng để kiểm tra ATTP đối với hàng hóa là: Kiểm tra thông thường (thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng kiểm tra theo tần suất tối đa đến 10% tùy theo mức độ rủi ro của hàng hóa) và kiểm tra chặt (thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng kiểm tra theo tần suất 30% khi phát hiện 1 lô hàng kiểm tra trước đó vi phạm nghiêm trọng quy định về ATTP; tần suất 100% khi phát hiện 2 lô hàng kiểm tra liên tiếp trước đó vi phạm nghiêm trọng quy định về ATTP).

Như vậy, với những quy định trong thông tư này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến điều trong nước. Cụ thể là trước khi thông tư trên có hiệu lực thi hành, nhiều doanh nghiệp chế biến điều trong nước đã ký hợp đồng nhập khẩu hạt điều thô với nhiều quốc gia khác nhau ở Châu Phi và Ấn Độ. Khi thông tư này có hiệu lực thi hành cũng là lúc các doanh nghiệp nhập điều thô về tới cảng của Việt Nam. Vì thế, theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), hiện có hơn 400 container điều thô bị ách tắc ở khâu thông quan tại nhiều cảng, trong đó có nhiều container của các doanh nghiệp chế biến điều ở Bình Phước.

Hồ sơ đăng ký của nước xuất khẩu (Điều 10)

Cơ quan có thẩm quyền về ATTP đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật của nước xuất khẩu (sau đây gọi là Cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu) gửi hồ sơ đăng ký về Cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm, Thủy sản bao gồm:

1. Thông tin về hệ thống quản lý và năng lực của Cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu về kiểm soát ATTP theo mẫu quy định tại phụ lục 2 ban hành kèm theo thông tư này;

2. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật, chất điều hòa sinh trưởng, chất bảo quản sử dụng trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa theo mẫu quy định tại phụ lục 3 ban hành kèm theo thông tư này;

3. Chương trình giám sát ATTP cập nhật hàng năm của nước xuất khẩu đối với hàng hóa trong quá trình sản xuất, kinh doanh trong nước và xuất khẩu.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chế biến điều trong nước đang đói nguyên liệu. Vì từ nhiều năm nay, sản lượng điều thô trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp chế biến điều đều phải nhập khẩu điều thô từ các nước: Bờ Biển Ngà, Nigieria, Ghana, Mozambique, Tanzania… Và điều đáng nói là tại các nước trên chưa sẵn sàng đăng ký hồ sơ xuất khẩu điều thô như quy định tại Điều 10 và in bao bì bằng tiếng Việt theo quy định tại điểm 1.b của Điều 5 trong Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT. Bên cạnh đó, từ nay cho đến giáp vụ điều năm 2012, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu hàng ngàn tấn điều thô cho khách hàng nước ngoài. Nếu không có đủ nguyên liệu chế biến để giao hàng theo hợp đồng thì nguy cơ có nhiều doanh nghiệp sẽ phải bồi thường hợp đồng với số tiền không nhỏ.

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến nhân hạt điều suất khẩu và theo kiến nghị của Vinacas, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm bãi bỏ quy định tại Điều 10 và điểm 1.b trong Điều 5 của Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT. Vì theo Vinacas, trong hơn 10 năm qua chưa có lô hàng nhập khẩu điều thô vào Việt Nam bị phát hiện không bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Hơn nữa, hạt điều thô là nguyên liệu để sản xuất nhân điều xuất khẩu phải qua rất nhiều công đoạn chế biến và được xử lý ở nhiệt độ cao và được đóng gói trong môi trường chân không mới xuất khẩu. Từ những phân tích trên cho thấy, mặt hàng hạt điều thô cần sớm được đưa ra khỏi danh sách nhóm hàng bắt buộc phải kiểm tra an toàn thực phẩm.

Đ.T

  • Từ khóa
111549

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu