Thứ 4, 08/05/2024 20:30:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:16, 04/12/2019 GMT+7

Đừng để nhờn luật

Thứ 4, 04/12/2019 | 09:16:00 160 lượt xem

BP - Bình Phước hiện có hàng chục ngàn héc ta hồ thủy điện, thủy lợi và hệ thống sông suối. Lợi thế này không chỉ tác động tích cực đến việc phát triển nuôi trồng thủy sản mà còn tạo kế sinh nhai cho hàng chục ngàn người sống bằng nghề khai thác thủy sản. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản của tỉnh đang ngày một cạn kiệt do tình trạng đánh bắt thủy sản bằng các loại ngư cụ tận diệt, nhất là việc sử dụng bộ kích điện. Thậm chí nhiều đối tượng đánh bắt vi phạm tỏ thái độ khiêu khích hoặc đe dọa khi bị phát hiện.

Trước tình trạng khai thác phản khoa học, phá hoại môi sinh và gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản, có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2019. Trong đó nêu rõ việc xử phạt hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản và mức phạt cao nhất với người vi phạm quy định về khai thác thủy sản là 1 tỷ đồng. Ngoài phạt tiền, còn bị tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ. Mặc dù bị cấm và mức xử phạt cao như vậy nhưng nhiều người vẫn bất chấp, thậm chí còn tự chế các thiết bị chích cá nhỏ gọn để qua mặt lực lượng chức năng.

Hành vi này không chỉ tác động xấu đến phát triển nguồn lợi thủy sản mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng con người và đã có không ít vụ việc đáng tiếc xảy ra. Minh chứng là khoảng 17 giờ 30 phút ngày 20-11, người dân trên địa bàn ấp 3, xã An Khương, huyện Hớn Quản đi thăm ruộng phát hiện anh Bùi Văn Lưu (1977) ở cùng ấp tử vong trong tư thế nằm ngửa, tay trái nắm cây sắt chích điện. Trước đó, khoảng 14 giờ cùng ngày, anh Lưu mang máy kích điện đi chích cá. Hành vi của anh Lưu không chỉ để lại sự mất mát lớn cho gia đình mà còn là bài học đắt giá đối với những ai đã và đang có hành vi vi phạm pháp luật này.

Cùng với việc thả các loại cá để bổ sung nguồn lợi vào các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn, những năm qua ngành chức năng của tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở, giáo dục người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản một cách hợp lý... Tại khu vực xung quanh hồ chứa thủy điện, thủy lợi đều có các pa-nô tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong đó, đặc biệt lưu ý người dân không đánh bắt bằng ngư cụ cấm, khai thác hủy diệt bằng xung điện, hóa chất; không sử dụng lưới mắt nhỏ, đăng chắn để khai thác tận diệt... 

Mặc dù việc ngăn chặn và nghiêm cấm các hình thức khai thác thủy sản tận diệt đã được các cấp, ngành chức năng quan tâm thực hiện và có những chế tài rõ ràng, cụ thể đối với từng hành vi vi phạm, thế nhưng qua tìm hiểu được biết, phần lớn người đi chích cá thường có hoàn cảnh khó khăn, trình độ học vấn thấp, ít được tiếp cận các văn bản pháp luật... Họ đi chích cá thường với lý do đơn giản là để cải thiện bữa ăn gia đình và hầu như không biết rằng mình đã vi phạm pháp luật. Do đó, yêu cầu cấp bách đối với các cơ quan chức năng là ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân bằng nhiều hình thức phong phú, rộng rãi thì phải kiên quyết xử lý hành vi vi phạm để tránh “nhờn luật”.

Lâm Phương

  • Từ khóa
109242

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu