Thứ 4, 08/05/2024 23:17:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:08, 03/12/2019 GMT+7

Nếu cây điều biết nói

Thứ 3, 03/12/2019 | 09:08:00 193 lượt xem
BP - Hai ngày 30-11 và 1-12, đã diễn ra cuộc thi sáng tạo robocon mini tỉnh Bình Phước năm 2019. Đó là cuộc thi sáng tạo robocon mini lần đầu tiên Bình Phước tổ chức và lấy cảm hứng từ các công đoạn thu hoạch của người trồng điều. Rồi đây, có thể nào trong vườn điều hay trong nhà máy chế biến điều, có một thế hệ công nhân là... robot sẽ phủ bóng và thay thế, giải phóng sức lao động của con người?

30 năm trước, hầu hết người trồng điều, doanh nghiệp điều đều không tin có một cái máy có thể bóc được vỏ hạt điều vốn rất nhiều mủ khi tươi có thể làm bỏng tay người bóc và rất cứng khi khô, chẻ ra được hạt cũng gần như bị bể làm đôi. Hơn 20 năm trước, máy chẻ hạt điều ra đời. Đó là những cái máy đưa hạt điều vào một rãnh bằng thép, có lưỡi dao sắc chẻ hạt điều để lấy nhân ra. Một chiếc máy + 1 người sử dụng cho năng suất bằng 10 thợ thủ công giỏi. Dần dần những chiếc máy này thay thế công nhân bóc hạt điều thủ công. Hơn 10 năm trước, ngành điều xuất hiện chiếc máy khiến ai thấy cũng ngưỡng mộ, bóc được vỏ hạt điều hàng loạt, cứ đổ hạt điều vào máy là cho ra sản phẩm một bên hạt một bên vỏ.

Kể từ đó, xưởng chế biến, nhà máy sản xuất dần dần không còn hàng ngàn công nhân chẻ điều nữa, thay vào đó là vài “công nhân robot”. Xen giữa những bước đột phá này là nhiều khâu hoàn thiện chu trình sản xuất khác để hiệu suất cao nhất, như thiết bị điện tử giúp chẻ điều ít bị bể hơn, sàng lọc hạt điều bị bể chính xác hơn, thậm chí xua đuổi côn trùng xâm nhập khu sản xuất thơm lừng dinh dưỡng bốc lên tốt hơn...

Tổng hợp những bước tiến ấy là hiệu quả sản xuất được nâng lên, lợi nhuận cao hơn, tác động trực tiếp đến con đường Việt Nam trở thành quốc gia nhập nguyên liệu và xuất sản phẩm sơ chế hạt điều lớn nhất thế giới. Thế nhưng, nhìn lại những bước đột phá và rất nhiều công đoạn được cải tiến ấy, riêng ở góc độ công nghiệp vắng bóng 2 thành tố rất thiết yếu (chưa nói tới lĩnh vực nông nghiệp như cây giống, phân bón, sâu bệnh...). Thứ nhất là chưa có cải tiến, đột phá nào trong các công đoạn được thực hiện từ người nông dân - tức là phạm vi ngoài nhà máy chế biến, cơ sở chế biến. Thứ hai, không có “made in” Bình Phước - thủ phủ hạt điều của cả nước, trung tâm chế biến điều của toàn cầu về số lượng, còn chất lượng “Hạt điều Bình Phước” cũng có thương hiệu như “Thịt bò Kobe” vậy!

Ban tổ chức cuộc thi chọn chủ đề “Chinh phục quả điều vàng” và xây dựng luật thi đấu dựa trên ý tưởng các công đoạn thu hoạch điều, giúp thí sinh trau dồi thêm kiến thức thực tiễn, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, chế tạo ra các máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động trong quy trình sản xuất hạt điều - Phó giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ Đặng Hà Giang cho biết như vậy khi phát biểu khai mạc cuộc thi robocon mini tỉnh Bình Phước năm 2019.

Giá như cuộc thi này diễn ra từ 20 năm trước, biết đâu bây giờ đã có những cái máy lượm hạt điều và người nông dân đỡ vất vả, hiệu quả sản xuất đã cao hơn nhiều? Quả không dễ chế tạo ra cái máy vận hành được các loại địa hình để lượm từng trái điều trên sườn núi hay làm ngược lại là san bằng địa hình để trồng điều trên mặt phẳng nhằm thu hoạch cho dễ. Song cây điều biết nói, nó sẽ nói rằng: Nếu như không có ước mơ và sáng tạo, loài người vẫn con dao nhỏ trên đôi tay chẻ từng hạt của chúng tôi như ngày nào. Đó cũng là thông điệp của cây điều chúng tôi với tất cả cây trồng khác, lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Trần Phương

  • Từ khóa
109241

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu