Thứ 4, 08/05/2024 11:37:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:22, 29/11/2019 GMT+7

Sức khỏe tâm thần học đường đang bị xem nhẹ

Thứ 6, 29/11/2019 | 09:22:00 394 lượt xem

BP - Theo thống kê của Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, khoảng 1/3 số học sinh THCS và THPT bị rối loạn sức khỏe tâm thần hoặc có dấu hiệu rối loạn sức khỏe tâm thần dao động. Số học sinh nữ nguy cơ mắc các bệnh này cao hơn nam nhưng bệnh nặng phần lớn lại rơi vào học sinh nam. Áp lực học tập và các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô là 2 nguyên nhân lớn nhất dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh. Đáng chú ý, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang tăng cao, nhất là tại các đô thị lớn. Nhưng đến nay, tâm lý học đường vẫn chưa được đưa vào giảng dạy, giúp thầy cô nhận biết dấu hiệu để đưa các em thoát khỏi những lo âu, trầm cảm; giúp học sinh có giải pháp chủ động giảm stress.

Chiều 23-11 do mâu thuẫn, một nam sinh ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã dùng tua vít đâm vào bụng, vai, ngực bạn. Nguyên nhân do thị lực của N.Đ.Tr (16 tuổi) không tốt và thường bị P.V.Q (cùng học lớp 11C) trêu chọc và đỉnh điểm của cự cãi, xô xát là Tr dùng tua vít đâm Q 6 nhát. Đây là biểu hiện rõ nhất của rối loạn tâm thần thường gặp ở trẻ em và cụ thể ở đây là biểu hiện của rối loạn cư xử và cảm xúc.

Hiện nay, học sinh đang phải chịu nhiều áp lực từ gia đình, học tập như: ganh đua điểm số với bạn bè, những buổi học thêm dày đặc và những đòi hỏi từ cha mẹ, thầy cô... dễ khiến các em kiệt quệ về tinh thần và thể lực. Từ đó xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực và tâm lý bất cần, gia tăng nguy cơ hành động bốc đồng gây ra nhiều nguy hiểm. Nhiều vụ học sinh đánh nhau cũng xuất phát từ sức khỏe tâm thần bất thường. Một số học sinh khi bị stress học đường nghĩ đến cái chết và đã có nhiều vụ việc thương tâm xảy ra.

Viện Nghiên cứu và Phát triển cùng UNICEF Việt Nam thực hiện một điều tra xã hội học vào cuối năm 2018 cho kết quả, tỷ lệ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần đối với trẻ em và vị thành niên ở Việt Nam dao động từ 8-29%, đồng nghĩa hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm, sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Các em dễ bị ảnh hưởng bởi những áp lực, suy nghĩ, lối sống tiêu cực dẫn đến tâm lý bi quan, chán nản, thậm chí là ý nghĩ tự sát. Nếu không có môi trường cho các em bày tỏ, chia sẻ cảm xúc cộng với việc một số thầy cô quá khắt khe, ứng xử thiếu tế nhị, cha mẹ mải lo miếng cơm manh áo, không để ý đến những bất thường của con, thậm chí còn trút bực dọc của bản thân lên con thì hậu quả đau lòng rất khó tránh khỏi...

Không phải tự nhiên thầy cô được gọi là “kỹ sư tâm hồn”. Bởi thực tế học sinh đã được thầy cô tư vấn để thoát khỏi lo âu, bất mãn và sống có ích; và những kỳ vọng của xã hội vẫn tiếp tục đặt vào người thầy... Với cha mẹ, để ngăn ngừa rối loạn tâm thần con trẻ, cần quan tâm đến cảm xúc của con hằng ngày. Đặc biệt, đừng quá áp lực về điểm số, thành tích, so sánh sức học của con với người khác. Nếu cha mẹ chỉ xem việc con học giỏi, tài năng... là “trang sức” cho mình mà không nhìn thực lực của con rồi tìm mọi cách buộc con đạt mục tiêu thì việc trả giá sẽ rất đắt, thậm chí phải ân hận mãi về sau.

An Nhiên

  • Từ khóa
109239

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu