Thứ 5, 09/05/2024 08:28:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:42, 27/11/2019 GMT+7

Không chỉ là văn bản

Thứ 4, 27/11/2019 | 09:42:00 223 lượt xem

BP - Phát biểu tại hội nghị về chính sách phát triển toàn diện trẻ em sáng 23-11, Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em Vũ Đức Đam chỉ rõ: Chúng ta thường nghĩ rằng, hằng năm có mấy ngàn vụ xâm hại trẻ em được ghi nhận trên 25 triệu trẻ em, trong khi theo cách tiếp cận của quốc tế thì tới 68% số trẻ em được khảo sát có bị xâm hại không chỉ bằng roi, mà cả những câu nói, thái độ gây tổn thương cho trẻ em. Vì thế, các quyền của trẻ em, như được bày tỏ chính kiến, được tham gia, được lắng nghe... chưa được quan tâm.

Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực, ưu tiên thực hiện và đạt được nhiều kết quả nổi bật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhưng tình trạng xâm hại trẻ em vẫn đang diễn ra ở mức báo động. Minh chứng là chỉ cần vài cái trượt tay trên màn hình điện thoại thông minh, chúng ta dễ dàng đọc được những thông tin liên quan đến tình trạng bạo hành trẻ em, trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực học đường... Ngoài ra, còn rất nhiều thông tin về những gia đình hoàn cảnh khó khăn, con em phải bỏ học ở nhà phụ giúp ba mẹ. Hay trẻ em vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đi bộ nhiều giờ đến trường; ngồi học với cái bụng không no, không đủ dinh dưỡng...

Bình Phước cũng không phải ngoại lệ. Theo thống kê, từ năm 2015 đến tháng 6-2019, toàn tỉnh có 200 trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực và nhiều nguyên nhân khác. Hành vi xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, có trẻ bị xâm hại khi tuổi còn quá nhỏ (3-4 tuổi), gây bức xúc trong dư luận và để lại hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân và gia đình. Trong khi đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em đa phần do xuống cấp về đạo đức, suy đồi về nhân cách và lệch lạc về nhận thức. Nhiều trường hợp coi thường pháp luật, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc sử dụng chất kích thích hay lợi dụng sự quen biết, mất cảnh giác của gia đình nạn nhân để thực hiện hành vi phạm tội đối với trẻ em.

Để chăm sóc và bảo vệ trẻ em đạt kết quả cao, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Chúng ta không thể hài lòng khi đã ban hành xong văn bản”. Đồng thời Phó thủ tướng chỉ rõ: “Chúng ta cần tận dụng thật tốt những mặt tích cực của công nghệ thông tin, internet để phổ biến tri thức, pháp luật về bảo vệ trẻ em rộng rãi trong cộng đồng bằng những câu chuyện dễ hiểu, sinh động. Khi người dân nhận thức đúng và vào cuộc thì khó mấy cũng làm được, nếu không thì có nhiều văn bản đến mấy cũng không làm được”.

Từ những tồn tại, yếu kém và bài học Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra tại hội nghị, rất mong cấp có thẩm quyền và ngành chức năng đẩy mạnh xây dựng mạng lưới chăm sóc, bảo vệ trẻ em, bao gồm các cơ quan nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới giáo dục - đào tạo, chuyển từ truyền thụ kiến thức một chiều sang khơi dậy sự sáng tạo, giá trị của từng học sinh... Đặc biệt, ưu tiên sử dụng công nghệ thông tin, internet trong tuyên truyền, phổ biến tri thức, pháp luật về bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Lâm Phương

  • Từ khóa
109237

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu