Thứ 4, 08/05/2024 14:03:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:55, 19/11/2019 GMT+7

Công khai một cách minh bạch

Thứ 3, 19/11/2019 | 08:55:00 162 lượt xem

BP - “Nhất định phải minh bạch, công khai hóa hơn nữa, đồng thời có các công cụ ứng dụng công nghệ thông tin để người dân tương tác với chính quyền hiệu quả hơn”. Đó là ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị đánh giá kết quả kiểm tra và trao đổi kinh nghiệm do Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tổ chức ngày 14-11 tại Thanh Hóa.

Công khai, minh bạch là vấn đề được đặc biệt quan tâm không chỉ ở nước ta và không chỉ hiện nay, mà ở mọi quốc gia và xã hội càng hiện đại càng yêu cầu cao. Hầu hết các quốc gia hiện đại đều xây dựng nhà nước xuất phát từ quan điểm chủ quyền của nhân dân. Nước ta từ ngày giành độc lập năm 1945 đến nay luôn xây dựng nhà nước “của dân, do dân, vì dân” theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất nhiên có những vấn đề thuộc phạm vi bí mật quốc gia không thể công bố, không thể công bố ngay hoặc chỉ công bố trong phạm vi nhất định, song cơ bản mọi hoạt động của Nhà nước phải được công khai với nhân dân.

Những vi phạm, những vụ án liên quan đến cán bộ, cơ quan nhà nước, nguồn gốc đều có yếu tố không công khai, không minh bạch. Điển hình như hàng loạt cán bộ cấp cao là lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, tướng lĩnh quân đội, tướng lĩnh công an “nhúng chàm” bị khởi tố gần đây đều xuất phát từ việc làm giấu giếm, khuất tất của mình - là sự cố ý và có mục đích cá nhân rõ ràng, chứ không phải do lỗi nhận thức - là do trình độ kém, thiếu hiểu biết.

Từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986) bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay, quan điểm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” phát triển và hoàn thiện. Thực hiện được điều đó, tất yếu phải công khai, minh bạch với nhân dân. Ví dụ như chi tiền từ ngân sách, dân chỉ biết được, chỉ kiểm tra được khi cơ quan, đơn vị, người chịu trách nhiệm về tài khoản ngân sách công khai, minh bạch các khoản chi ấy. Thực tế không chỉ nhân dân - chủ thể đóng thuế tạo nên ngân sách nhà nước, mà cả những người làm nhiệm vụ quản lý ngân sách, người chịu trách nhiệm về khoản tiền ngân sách nhân dân giao phó và cả tất cả những người được trả tiền từ ngân sách cũng cần được công khai, minh bạch. Bởi một lý lẽ rất đơn giản: Khuất tất thì sẽ không công khai, không minh bạch và ngược lại.

Hiện đang cao điểm chuẩn bị đại hội đảng các cấp. Một trong những vấn đề cả nhân dân và toàn hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm là công tác cán bộ. Thực tế đã có không ít trường hợp cán bộ lãnh đạo hoặc người được giao nhiệm vụ lợi dụng quyền lực, trách nhiệm của mình để nhập nhèm, đánh lận con đen, câu kết đưa người năng lực kém, phẩm chất kém là tay chân thân tín, người thân của mình hoặc kẻ đã “chạy” mình để chui cho sâu, leo cho cao trong bộ máy nhằm không chỉ vơ vét hiện tại, mà sẽ còn vơ vét cả trong tương lai. Đối chiếu với các quy định, tiêu chuẩn không đạt thì tìm cách đi đường vòng cho đạt, không đủ chuẩn thì cho nợ, không đúng đối tượng quy hoạch thì bổ sung... Những trường hợp đó đều được báo cáo “đúng quy trình”, “công khai”, “minh bạch”. Song đúng như câu thành ngữ “Cháy nhà mới ra mặt chuột”, chỉ đến khi bị vỡ lở mới lộ ra mà thôi.

Thực hiện dân chủ không chỉ phải công khai, mà còn phải công khai một cách minh bạch, bởi công khai nhưng những gì công khai không minh bạch thì cũng như nước đổ lá môn. Đặc biệt, phải xử lý thật nghiêm sai phạm. Bởi khi “nhúng chàm” trong những trường hợp này luôn để lại hậu quả lớn, khó có thể rút tay lại, và như người xưa nói “Trẻ trộm gà, già trộm trâu”, càng lún sâu, hậu quả càng lớn.

Trần Phương

  • Từ khóa
109231

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu