Thứ 4, 08/05/2024 22:50:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:25, 15/11/2019 GMT+7

“Những con sâu làm rầu...”!

Thứ 6, 15/11/2019 | 09:25:00 167 lượt xem
BP - Con người khi bực tức quá mức thường không kiềm chế được cảm xúc, rồi sinh ra hành động và lời nói thiếu kiểm soát. Với mỗi tình huống, việc kiểm soát cơn giận ở mức độ nào, ứng xử có phù hợp đạo đức, luật pháp hay không phụ thuộc lớn vào tính cách, nhận thức và kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân.

Tuy nhiên, một cán bộ, công chức có giáo dục căn bản, được trang bị kiến thức văn hóa ứng xử trong công việc, nơi công sở và cuộc sống hằng ngày mà có hành vi không chuẩn mực thì khó được cảm thông, thậm chí không ít ý kiến còn phẫn nộ. Việc Thượng úy Nguyễn Xô Việt (Công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) ném xúc xích vào mặt nhân viên nữ rồi lớn tiếng và tát vào mặt nhân viên nam bán hàng khi con trai người này bị nhắc nhở mua hàng chưa trả tiền được đăng tải lên mạng xã hội ngày 10-11 vừa qua là một ví dụ.

Sáng 12-11, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) đã bày tỏ bức xúc với báo giới trước vụ việc nêu trên. Theo ông Nhưỡng, người cha trong clip (Thượng úy Việt - PV) là người giám hộ, phải chịu trách nhiệm với đứa con vị thành niên của mình. Trong trường hợp này, nếu là người khôn ngoan, người cha phải ra xin lỗi nhân viên cửa hàng và mua lại số xúc xích đó, thậm chí mua thêm...

Trước đó, vụ việc đại úy Lê Thị Hiền (Công an quận Đống Đa, TP. Hà Nội) có thái độ không đúng mực ở Sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) chưa lắng xuống thì tới trường hợp này. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, các hành động này trái với đạo lý thông thường, gây bức xúc trong dư luận, làm xấu hình ảnh sĩ quan công an. Đạo đức nghề nghiệp thì ngành nào cũng có và cán bộ, công chức, viên chức phải chuẩn mực ở mọi lúc, mọi nơi, nhất là đối với cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân. Vậy nên những ứng xử hung hăng, thiếu văn hóa nơi công cộng của hai sĩ quan nói trên đã dẫn đến sự bất bình trong dư luận. Nhiều người vẫn hiểu đây là “con sâu làm rầu nồi canh”. Thiếu tôi luyện, tu dưỡng và tự mãn khiến nhiều người tự làm xấu đi phẩm chất cá nhân, đồng thời gây ra hình ảnh không đẹp cho ngành. Nó như u nhọt cần phải cắt bỏ ngay. Nếu không thường xuyên bồi dưỡng, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ công an thì kẻ thoái hóa, biến chất khi được giao trọng trách có quyền lực đi kèm lại sẽ gây họa là điều dễ hiểu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, cán bộ là “công bộc của dân”. Bác còn khuyên răn: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Từ đó cho thấy, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần coi trọng trước hết việc tu dưỡng đạo đức và chỉ có đức mới thành người có ích. Dù là người tài giỏi đến đâu nhưng thiếu đạo đức thì cũng chỉ “vô dụng” và gây họa cho cá nhân, tập thể, tổ chức, thậm chí là đất nước.

Đặc biệt là khi vấn đề tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy nhà nước đang được quan tâm thì đối tượng là công chức, viên chức không đủ phẩm chất cần phải loại bỏ ngay để nhường chỗ cho người khác làm việc. Đó là bài học không thể không tính đến khi xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả.

An Nhiên

  • Từ khóa
109230

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu