Thứ 5, 09/05/2024 07:56:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:48, 29/10/2019 GMT+7

Giấy không bọc được lửa

Thứ 3, 29/10/2019 | 08:48:00 158 lượt xem

BP - Giấy có bọc được lửa? Đó là câu hỏi hầu như ai cũng đặt ra về vụ án gian lận điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, đang được xét xử nhưng có quá nhiều khuất tất chưa được làm rõ. Đặc biệt, những khuất tất ấy phần lớn liên quan đến cán bộ, những người có chức có quyền. Giấy có bọc được lửa - cũng là câu hỏi đặt ra không chỉ ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang và cũng không chỉ với gian lận điểm thi... mà còn với nhiều kiểu gian lận trong các lĩnh vực khác, như gian lận trong công tác cán bộ, gian lận chức quyền, gian lận khi xử lý sai phạm, thậm chí còn biến không thành có, biến kẻ có tội thành vô tội... Nén bạc “đâm toạc được tờ giấy”, nhưng giấy có bọc được lửa?

Vụ án gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có tới 215 thí sinh được nâng điểm, trong đó Hà Giang có 107 thí sinh, Hòa Bình 64 thí sinh, Sơn La 44 thí sinh. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại chỉ có 2 phụ huynh bị khởi tố, đó là ông Phạm Văn Khuông, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang và bà Lò Thị Trường, trú tại thành phố Sơn La, cùng bị khởi tố về tội đưa hối lộ. Lý do khiến 2 phụ huynh này vướng vào vòng lao lý là bởi họ thừa nhận đã đưa tiền nhờ người nâng điểm cho con mình. Ngay sau khi thừa nhận điều đó, họ bị khởi tố. Thế là phụ huynh của 213 thí sinh còn lại một mực không thừa nhận, dù cho chính những người trong đường dây hoặc trực tiếp cán bộ thực thi gian lận đã khai nhận tiền của họ. Họ chấp nhận mất trắng số tiền đã chung chi để thoát tội.

Lựa chọn 6 đến 12 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo như đề nghị của cơ quan kiểm sát, với khoản tiền 500 triệu đến 1 tỷ đồng được lấy lại nếu thừa nhận đã đưa hối lộ, hẳn sẽ có nhiều người băn khoăn chọn phương án nào tốt hơn, bởi đây là số tiền rất lớn. Và lựa chọn của 213 phụ huynh kia, cho thấy lỗ hổng trong luật pháp. Phụ huynh, người thân của những trường hợp gian lận điểm chủ yếu là cán bộ, người có chức, có quyền. Họ chấp nhận mất trắng số tiền chung chi, chạy chọt rất lớn để giữ lại được quyền lực, giữ được vị trí của mình. Và điều đáng sợ nhất là liệu họ có tìm cách lấy lại những gì đã mất?

Điều đó đáng sợ là bởi những kẻ giải quyết vấn đề bằng tiền, mua những thứ không mua được bằng tiền bằng cách mua bằng rất nhiều tiền, luôn có bài toán lấy lại số tiền của mình. Và bài toán đó luôn là bài toán “có lời”, thậm chí lời rất lớn, bởi nó mạo hiểm và cũng dễ “tiền mất” hoặc “tật mang”. Bài toán ấy không chỉ với trường hợp gian lận điểm thi mà còn là công thức của tất cả những trường hợp khác liên quan đến mối quan hệ giữa quyền và tiền.

Lỗ hổng pháp luật và lỗ hổng trong xử lý những sai phạm nếu không được lấp đầy, các cơ quan chức năng không đi đến tận cùng vụ việc và người đứng đầu, người có trách nhiệm, người được Nhà nước và nhân dân giao quyền nhưng không xử lý nghiêm minh thì xã hội sẽ vẫn còn đất sống cho những kẻ lách luật, còn đất cho quyền và tiền thao túng. Và sẽ còn không ít những “con voi chui lọt lỗ kim” một cách dễ dàng, luật pháp và chính sách sẽ còn bị lợi dụng, dù sớm hay muộn cũng lộ ra, bởi ai cũng biết rằng giấy không thể bọc được lửa.

Trần Phương

  • Từ khóa
109219

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu