Thứ 5, 09/05/2024 13:01:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:20, 26/10/2019 GMT+7

Nỗi lo ô nhiễm nguồn nước

Thứ 7, 26/10/2019 | 09:20:00 136 lượt xem
BP - Trong những ngày vừa qua, việc nước sinh hoạt ở Hà Nội bị ô nhiễm dầu thải trở thành tâm điểm của cả nước. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam nghi phạm xả dầu thải khiến nguồn nước cấp cho Nhà máy nước sông Đà bị ô nhiễm. Đây là bài học đắt giá về tính cấp bách trong bảo vệ nguồn nước đối với các địa phương.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước. Đó là mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, cơ sở hạ tầng yếu kém, lạc hậu, nhận thức của người dân về vấn đề môi trường nước chưa cao. Đáng chú ý là sự bất cập trong hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường nên nguồn ô nhiễm, chất thải độc có nhiều cơ hội xâm nhập vào hồ chứa nước mặt, hệ thống sản xuất nước sạch của nhà máy... Nhận thức của nhiều cơ quan quản lý, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ môi trường nước chưa đầy đủ, chưa thấy rõ ô nhiễm môi trường nước là loại ô nhiễm gây nguy hiểm trực tiếp, hằng ngày và khó khắc phục đối với đời sống con người. Tình trạng nước thải, rác thải sinh hoạt ở các đô thị không có hệ thống xử lý tập trung mà trực tiếp xả ra nguồn tiếp nhận chưa được khắc phục. Mặt khác, còn rất nhiều cơ sở sản xuất không xử lý nước thải; hầu hết các bệnh viện và cơ sở y tế chưa có hệ thống xử lý nước thải, một lượng rác thải rắn lớn trong thành phố không thu gom hết được... là những tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Có không ít vụ việc đổ, chôn trộm rác thải nguy hại ra môi trường nhưng vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời. Tác hại của ô nhiễm nguồn nước là rất lớn, nó gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khỏe con người và gây tác hại cho môi trường sống.

Nước là nguồn sống thiết yếu của con người và tất cả loài sinh vật trên trái đất. Thế nhưng nguồn nước ngày càng ô nhiễm và cạn kiệt do nhận thức của nhiều người dân và quan niệm nước là “của trời cho”, dẫn đến tình trạng sử dụng nước không hợp lý, thiếu ý thức tiết kiệm, bảo vệ, bảo tồn nguồn nước. Vì vậy, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng là biện pháp quan trọng nhất trong bảo vệ nguồn nước và môi trường sống. Nếu mỗi người dân tự giác, với ý thức trách nhiệm cao thì chắc chắn nguồn nước sạch sẽ được bảo vệ tốt hơn. Mỗi người có thể thực hiện từ những việc nhỏ nhất như: không vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi, không xả thải chất bẩn, chất độc hại trực tiếp vào môi trường; trong quá trình sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật cần theo đúng hướng dẫn, không vứt vỏ chai, bao bì bừa bãi ra môi trường xung quanh, nhất là môi trường nước.

Bảo vệ nguồn nước sạch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của cả cộng đồng dân cư. Để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước, thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước; quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước; tập trung thanh tra, kiểm tra thường xuyên, kiên quyết không để tình trạng đổ, chôn lấp chất thải ra môi trường tự nhiên; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước... Có như vậy, chúng ta mới bảo vệ được nguồn nước sạch hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống của nhân dân.

Thanh Hà

  • Từ khóa
109218

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu