Thứ 5, 09/05/2024 17:30:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:55, 23/10/2019 GMT+7

Chỗ đứng nào cho lao động thời 4.0

Thứ 4, 23/10/2019 | 09:55:00 125 lượt xem

BP - Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV là dự kiến thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi). Mặc dù dự án luật đã được đưa lên bàn nghị sự, nhưng cử tri vẫn còn lo lắng vì dự thảo luật này chưa giải quyết được đề xuất của doanh nghiệp là nới khung giờ làm thêm theo tuần, theo năm. Đặc biệt, người lao động trong dự luật cơ bản là lao động chân tay, chưa thấy bóng dáng của lao động trí tuệ, lao động sáng tạo. Điều này cho thấy, mục tiêu sửa đổi luật vẫn chưa tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.

Hiện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vẫn kiên trì đề xuất nới lỏng theo hướng bỏ ràng buộc theo tháng, nới rộng lên 500 giờ/năm và cho rằng, mối quan hệ giữa người lao động và chủ sử dụng lao động giờ đây là mối quan hệ cộng sinh, “cùng hội cùng thuyền” làm kinh tế, chứ không có chuyện chủ sử dụng bóc lột người lao động. Thực tế, thị trường lao động đang rất cạnh tranh, lại thiếu lao động, nhất là lao động có trình độ và tay nghề cao. Nếu doanh nghiệp không có chính sách an sinh xã hội tốt, không có chính sách lương, thưởng và các chế độ chăm sóc sức khỏe, tinh thần người lao động tốt sẽ không tuyển được lao động, kéo theo sản xuất bị đình trệ, không có hàng hóa tiêu thụ... dẫn đến bị phá sản.

Mặt khác, khoa học, công nghệ ngày càng phát triển đòi hỏi nguồn lực phục vụ sản xuất không chỉ có trình độ tay nghề cao, mà còn phải có trí tuệ và am hiểu công nghệ thông tin. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cách tiếp cận dự án luật vẫn trên tinh thần chủ - thợ, thay vì nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng các quyền thỏa thuận, nhất là không nhìn thấy chỗ cho lao động sáng tạo, lao động thời 4.0. Ở góc độ tiếp cận lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động sẽ khác đi rất nhiều, bởi nó dựa trên thỏa thuận và các nguyên tắc khuyến khích sự sáng tạo, chứ không phải bó buộc trong những tư duy truyền thống. Chưa kể, lao động sáng tạo có thể làm vượt ra ngoài những giới hạn và sản phẩm của loại lao động này cũng có giá cả khác hẳn với mức tiền lương hơn hẳn.

Về bản chất, người lao động là người làm thuê và người sử dụng lao động là người thuê lao động đều phải được đối xử công bằng và bình đẳng. Do đó, sửa đổi Bộ luật Lao động phải tính đến thu nhập đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp, ai cũng phải cố gắng làm việc để bảo đảm nhu cầu chi tiêu trong gia đình. Trong khi muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thì phải cho họ được quyền thỏa thuận với người lao động. Thực tế cho thấy, với những ngành kinh tế, như dệt may, da giày, thủy sản, điện tử... có tính đặc thù, làm theo mùa vụ và đơn đặt hàng, nếu không mở rộng giờ làm thêm thì các doanh nghiệp không thể nào đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Vì vậy, cần để cho các bên có quyền tự do thỏa thuận trong hợp đồng về giờ làm thêm, chỉ nên giới hạn giờ làm thêm ở một số ngành nghề độc hại hay mang tính đặc biệt. Ngoài ra, dự luật cũng cần phải lưu ý đến nguồn nhân lực 4.0 cùng những chế độ, chính sách bảo vệ quyền lợi cho đối tượng này, bởi trong tương lai không xa đây là nguồn lực lao động chính vì chỉ có họ mới làm chủ công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

Lâm Phương

  • Từ khóa
109215

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu