Thứ 6, 10/05/2024 02:17:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:30, 16/10/2019 GMT+7

Cần đi lên bằng năng lực thực

Thứ 4, 16/10/2019 | 09:30:00 114 lượt xem

BP - Việt Nam hiện có khoảng 750 ngàn doanh nghiệp (DN) và 5,2 triệu hộ kinh doanh. Đây là lực lượng nòng cốt và tiên phong đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội thông qua tạo việc làm; đóng góp ngân sách, đầu tư và tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Thời gian qua, Chính phủ đã có hàng loạt hành động thiết thực tạo môi trường kinh doanh lành mạnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển DN. Đồng thời lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của cộng đồng DN nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, Việt Nam cũng chỉ xếp thứ 5 trong ASEAN về môi trường kinh doanh và thời gian thực hiện các quy định về thủ tục hành chính của nước ta vẫn xếp thứ 68 - mức trung bình của thế giới.

Ở Bình Phước, để thu hút đầu tư, ngoài tổ chức các hoạt động giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN và cải cách thủ tục hành chính, tỉnh còn phối hợp thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Nhờ đó, lũy kế đến hết tháng 9-2019, toàn tỉnh có 936 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn 82.184 tỷ đồng; 224 dự án FDI với tổng vốn 2,255 tỷ USD và 7.449 DN đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký 67.532 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế cho thấy, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vẫn đạt thứ hạng thấp và chưa có dấu hiệu khả quan. Điều này phản ánh tinh thần chưa sẵn sàng đổi mới của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là một số cán bộ lãnh đạo, quản lý; trách nhiệm của người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị chưa cao; vẫn còn biểu hiện nhũng nhiễu DN và người dân...

Chính vì vậy, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phiên thứ 17, khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu: Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các địa phương phải quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Nghiêm cấm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN. Phải khắc phục những chỉ số thành phần có điểm số thấp để nâng cao chỉ số PCI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) để tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội.

Đất nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới, đồng thời tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương. Do vậy, cộng đồng DN phải phát triển bền vững, đảm bảo kết hợp với cả mục tiêu lợi nhuận gồm kinh tế, xã hội, môi trường, quan tâm đến cộng đồng. Để đạt mục tiêu đó, bên cạnh sự tích cực vào cuộc của các cấp, ngành trong việc tháo gỡ và khắc phục “điểm nghẽn” về thể chế; những vướng mắc, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh, về DN và đầu tư kinh doanh, cắt giảm các quy định hành chính liên quan đến kinh doanh...; nhất là, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức thì đòi hỏi cộng đồng DN phải minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, phải tái cấu trúc, nâng cao năng lực quản trị, làm ăn bài bản và có trách nhiệm. Đặc biệt, Việt Nam đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì ngoài chủ động đầu tư công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất, DN cũng cần quan tâm đến văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững. Bởi chỉ có những DN làm ăn trách nhiệm, luôn đảm bảo lợi ích cộng đồng thì bạn hàng, đối tác... mới ưu tiên lựa chọn.

Lâm Phương

  • Từ khóa
109210

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu