Thứ 5, 09/05/2024 11:29:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:51, 11/10/2019 GMT+7

Đừng nói lời cay đắng

Thứ 6, 11/10/2019 | 09:51:00 125 lượt xem

BP - Nghe tin nam thanh niên ở xã Lộc Châu, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng hiến tạng cứu 6 người, rất nhiều người cảm phục trước tấm lòng nhân hậu của anh và gia đình. Nhưng ngược lại, không ít người “bán tín bán nghi”, thậm chí còn nói lời cay nghiệt: “Bán tạng con được bao nhiêu tiền?”. Điều này khiến người mẹ 75 tuổi nhìn di ảnh con trai thêm đau lòng. Tương tự, biết chồng bị chết não sau tai nạn giao thông, một người vợ ở Bắc Giang cùng gia đình đã hiến tạng của anh cứu 4 bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Việc làm nhân văn ấy lại bị nhiều người buông lời dị nghị bán tạng vì tiền,... như “cứa vào tim” và khoét sâu thêm vết thương đang rỉ máu của gia đình người hiến tạng.

Người mẹ buồn vì một số người hiểu lầm nhưng khi được đại diện Bộ Y tế trao Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho gia đình, hoàn thành di nguyện chia sẻ cơ thể của người đã mất, bà cũng nguôi ngoai phần nào, đồng thời thêm tự hào về con: “Mẹ và các anh chị con đã làm theo đúng di nguyện của con trước lúc mất. Gia đình rất vui lòng vì con đã làm được việc tốt, những người được con hiến tạng đều khỏe cả. Mọi người xung quanh cũng đã hiểu hết việc con làm rồi”.

Còn người đàn ông ở Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã hiến tạng cứu sống 4 bệnh nhân đang chờ chết, nhưng có người trong xã nói những lời độc địa làm nhói lòng người mẹ già 86 tuổi, rằng bà bán tạng con được vài trăm triệu đồng. Dù mục đích hiến tạng được vợ của người đã khuất nói rõ: “Chồng tôi không sống được nữa, nhưng tôi mong muốn một phần cơ thể anh ấy vẫn còn tồn tại đâu đó trên thế giới này. Vì thế, nghe những lời đau đớn kia, gia đình tôi chỉ biết gạt nước mắt”.

Như vậy, hành động hiến tạng của bệnh nhân chết não để cứu sống những người bệnh hiểm nghèo khác là rất nhân văn, cao cả và không phải ai cũng làm được. Nhưng nhiều người lại vô tâm nói những câu thiếu tôn trọng, thiếu trách nhiệm và gây nên nhiều điều tiếng, cay đắng cho người thân của họ. Và cũng chính từ những vụ việc đau lòng đó cho thấy rất cần đẩy mạnh tuyên truyền, vinh danh nhiều hơn, trang trọng, quy mô hơn để nhiều người nhận thức tốt hơn nữa việc hiến tạng cứu người. Nếu không có những tấm lòng nhân hậu ấy, nhiều cuộc đời đã không thể có cái kết đẹp như trong cổ tích. Không nhờ những tấm lòng thiện nguyện hiến mô, tạng sau khi chết não thì làm sao có những người như được trở về từ cõi chết, đem đến hạnh phúc cho bao nhiêu gia đình?

Cho đi vật chất giúp đỡ người khác đã quý, nhưng hiến tặng một phần cơ thể của mình để cứu sống người khác thì xứng đáng được tôn vinh gấp ngàn lần. Đó là hành động cao đẹp nhất của tấm lòng từ thiện. Đúng như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng chia sẻ: “Chết là trở về với cát bụi nhưng cho đi là còn mãi. Tôi tin rằng, mỗi khi nhìn thấy ánh mắt, nhịp đập trái tim của người thân mình vẫn hiển hiện... Đó chính là hạnh phúc vô bờ của người ở lại”.

Hành động cao đẹp của những người hiến tạng đã tự nói lên ý nghĩa cuộc sống luôn có rất nhiều điều tốt đẹp và tình người vẫn rất mênh mông, tuôn tràn bất tận. Họ đã gửi đi thông điệp cuộc sống với mỗi người rằng: Không yêu đừng nói lời cay đắng mà hãy lan tỏa những yêu thương, tiếp tục làm đẹp cuộc đời khi có thể.

An Nhiên

  • Từ khóa
109207

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu