Thứ 5, 09/05/2024 22:58:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:42, 10/10/2019 GMT+7

Tín hiệu vui...

Thứ 5, 10/10/2019 | 09:42:00 130 lượt xem
BP - Trao đổi với các phóng viên báo chí vào cuối tháng 9 vừa qua, ông Cao Hoài Trung, Tổng giám đốc Tổng công ty dầu Việt Nam (PV OIL) cho biết, đơn vị chủ quản đang tìm phương án tối ưu để khởi động lại Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước.

Nằm trên địa bàn huyện Bù Đăng, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước được khởi công ngày 20-3-2010, do Tập đoàn Itochu (Nhật Bản), Công ty Licogi 16 và PV OIL hợp tác đầu tư với tổng vốn gần 84 triệu USD. Theo thiết kế, mỗi năm nhà máy tiêu thụ khoảng 240 ngàn tấn củ mì khô để sản xuất hơn 100 triệu lít cồn sinh học. Sản phẩm cồn ethanol biến tính này sẽ được pha trộn với xăng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất để phân phối ra thị trường. Đầu tháng 4-2012, nhà máy chính thức vận hành và sản xuất được 16.000m3 ethanol. Nhưng đến tháng 4-2013, nhà máy này cùng với 6 nhà máy sản xuất cồn ethanol trong cả nước phải ngừng hoạt động...

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hàng loạt nhà máy ethanol trong cả nước và Bình Phước ngừng sản xuất, trong đó có năng lực của chủ đầu tư, tác động môi trường trong quá trình sản xuất... Đặc biệt, đã xuất hiện “điểm nghẽn” về thị trường tiêu thụ cồn sinh học dẫn tới tình trạng thua lỗ buộc phải ngưng hoạt động. Việc đóng cửa nhà máy đã kéo theo nhiều hệ lụy, công nhân bỏ đi nơi khác tìm việc; nhiều thiết bị, nhà xưởng đã hoen rỉ, xuống cấp... dẫn tới lãng phí vốn đầu tư. Quan trọng hơn, nhà máy ngừng hoạt động đã ảnh hưởng không nhỏ tới các chủ trương, chính sách về thu hút đầu tư, sản xuất và sử dụng nguồn nguyên liệu sạch, về sự liên kết sản xuất... của Đảng và Nhà nước.

Để khắc phục tình trạng này, ngày 29-9-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1468/QĐ-TTg phê duyệt đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. Theo đó, đối với Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên lựa chọn phương án “Khởi động, vận hành lại nhà máy trước khi Tổng công ty dầu Việt Nam chuyển nhượng vốn/thoái vốn khỏi dự án”. Vì vậy, PV OIL đang cùng các đơn vị liên doanh khẩn trương tìm biện pháp để khởi động lại nhà máy.

Thời điểm Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước đang hoạt động, diện tích cây trên địa bàn tỉnh là 16.093 ha. Với năng suất bình quân đạt 223,93 tạ/ha thì nhà máy này có đủ nguyên liệu để sản xuất. Do nhà máy đóng cửa nên diện tích cây mì trên địa bàn tỉnh ngày càng bị thu hẹp và hiện còn khoảng 11.000 ha, sản lượng khoảng 335.150 tấn tươi. Tuy nhiên, với lợi thế nhà máy liền kề các vùng canh tác cây phụ cận như Nam Tây Nguyên, Tây Ninh và Campuchia... cũng sẽ góp phần ổn định nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.

Vì vậy, việc khởi động nhà máy ngoài tín hiệu vui cho người trồng ở tỉnh ta nói riêng và trong khu vực nói chung, còn tạo cơ hội tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội cho toàn vùng từ Bình Phước đến Nam Tây Nguyên. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, nhà máy sẽ kết hợp với Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí để sản xuất phân vi sinh từ bã mì nhằm cung cấp cho các công ty cao su, nhà nông và tỉnh sẽ có thêm nguồn thu cho ngân sách...

Tấn Phong

  • Từ khóa
109206

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu