Thứ 5, 09/05/2024 16:44:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:22, 09/10/2019 GMT+7

Điện áp mái và an ninh năng lượng

Thứ 4, 09/10/2019 | 09:22:00 135 lượt xem
BP - Việt Nam có tiềm năng rất lớn về bức xạ mặt trời. Thời gian qua, Nhà nước đã có các chính sách khuyến khích phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, vì vậy nhiều dự án điện mặt trời đã được đầu tư xây dựng. Trong đó, điện mặt trời áp mái đang thể hiện sự ưu việt, có thể phát triển vượt bậc trong tương lai.

Nhận định này không phải không có căn cứ, bởi phát triển điện mặt trời áp mái có nhiều lợi thế, như: Không tốn diện tích đất; giúp tăng cường chống nóng có hiệu quả cho các công trình; quy mô nhỏ, lắp đặt phân tán nên được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu, không cần đầu tư thêm hệ thống lưới điện truyền tải... Đặc biệt, được lắp đặt nhiều ở các mái nhà trong thành phố, khu công nghiệp nên có tác dụng làm giảm quá tải lưới điện truyền tải từ các nguồn điện truyền thống đặt ở xa các trung tâm đông dân.

Để khuyến khích đầu tư và vì lợi ích chung của xã hội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam không chỉ mua điện từ các nguồn điện mặt trời với giá cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành, mà còn có nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích điện mặt trời áp mái, như: Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và tư nhân đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái; chỉ đạo các đơn vị thành viên tiên phong thực hiện lắp đặt điện mặt trời áp mái trên mái các tòa nhà trụ sở, tăng cường hoạt động tuyên truyền quảng bá để doanh nghiệp và người dân đầu tư điện mặt trời áp mái...

Ở Bình Phước, ngành điện tỉnh đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, vận động khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái và sẵn sàng lắp đặt miễn phí công tơ điện đo đếm hai chiều; ký kết hợp đồng mua lượng điện dư từ điện mặt trời áp mái của hộ gia đình để phát lên lưới điện... Tuy nhiên, số lượng khách hàng chưa nhiều, hiện toàn tỉnh chỉ có 222 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái với tổng sản lượng phát lên lưới 185.142kWh - một con số quá khiêm tốn so với tiềm năng. Nguyên nhân là do đơn giá lắp đặt còn cao; ngành chức năng chưa hướng dẫn cụ thể về các tiêu chuẩn kỹ thuật; chưa có cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ đầu tư lắp đặt...

Việt Nam chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu, trong khi các nguồn năng lượng truyền thống, như nguồn nước, than đá, dầu khí... ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa hết sức to lớn trong giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hạn chế tình trạng tàn phá rừng do xây dựng các công trình thủy điện, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình sử dụng điện mặt trời áp mái, rất cần các cấp và ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá về lợi ích của phát triển điện mặt trời áp mái. Trong đó, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương lắp đặt điện mặt trời áp mái; có chính sách hỗ trợ vốn, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng điện mặt trời áp mái. Đồng thời, ngành điện cần chủ động phối hợp với nhà sản xuất, cung cấp, lắp đặt tuyên truyền, quảng bá, cung cấp các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ mở rộng thị trường điện mặt trời áp mái.

Lâm Phương

  • Từ khóa
109205

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu