Thứ 6, 10/05/2024 00:35:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:18, 01/10/2019 GMT+7

Bứt phá với 4.0

Thứ 3, 01/10/2019 | 08:18:00 110 lượt xem
BP - Ngày 27-9-2019, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - còn gọi là cuộc cách mạng 4.0.

Đây là một trong những dấu mốc quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia của nước ta. Bởi nghị quyết đã đề ra những mục tiêu vô cùng quan trọng: Đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Đến năm 2030, sẽ có mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc, internet băng thông rộng chi phí thấp; kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu châu Á.

Một trong những điểm rất mới của Nghị quyết số 52-NQ/TW là trực diện, đi thẳng vào thực tiễn về cuộc cách mạng 4.0 ở nước ta, không phải là những quan điểm, lý luận chung chung. Nghị quyết đã đưa ra 8 chủ trương, chính sách cụ thể chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0. Các chủ trương, chính sách đều được đề cập trực tiếp, gắn với những giải pháp cụ thể, sát thực tiễn của Việt Nam và gắn cách mạng 4.0 với chiến lược phát triển quốc gia, như: Xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, tập trung vào các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng 4.0; trên cơ sở các khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, phát triển các khu đô thị sáng tạo đạt đẳng cấp quốc tế; ưu tiên nguồn lực triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về các công nghệ ưu tiên, trọng tâm là công nghệ thông tin và truyền thông, cơ điện tử, công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh... Nghị quyết cũng đưa ra một số quan điểm chỉ đạo, trong đó nêu rõ cuộc cách mạng 4.0 yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội; xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp.

Cuộc cách mạng 4.0 đặt ra nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến tất cả lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội không chỉ với Việt Nam mà với toàn cầu. Và không chỉ có thách thức, cuộc cách mạng 4.0 cũng mở ra cơ hội tuyệt vời đối với những quốc gia đi sau trong tiến trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế - xã hội như nước ta. Nó tạo ra những điều kiện cần thiết cho các quốc gia, các nền kinh tế - xã hội bứt phá, bỏ qua một chặng đường dài để rút ngắn khoảng cách, bắt kịp các quốc gia, các nền kinh tế - xã hội phát triển.

Thời gian qua, nước ta đã đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác, mức độ chủ động tham gia của nước ta còn thấp. Bộ Chính trị đánh giá thể chế, chính sách của nước ta còn nhiều hạn chế và bất cập, chậm đổi mới, sức ỳ còn lớn; quản lý nhà nước chưa theo kịp diễn biến thực tế; quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động; nhận thức về cuộc cách mạng 4.0 trong hệ thống chính trị và toàn xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập... Bộ Chính trị cũng khẳng định những hạn chế này có nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính.

Năm 2020 đã cận kề, 2025 không còn xa. Đến 2030 hay đến 2045, chỉ là một chặng đường rất ngắn. Không thể chậm trễ hơn được nữa, nếu bây giờ không thể bứt phá được với cuộc cách mạng 4.0, chúng ta sẽ lại đi sau như trong 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước.

Trần Phương

  • Từ khóa
109199

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu