Thứ 5, 09/05/2024 11:00:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:56, 12/09/2019 GMT+7

Đừng thỏa hiệp với cái ác

Thứ 5, 12/09/2019 | 09:56:00 157 lượt xem
BP - Đoàn giám sát của Quốc hội vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh về công tác chăm sóc và bảo vệ, phòng tránh bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn. Những số liệu báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ở Bình Phước và cả nước nói chung trong những năm qua rất đáng quan tâm.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2015 đến hết tháng 6-2019, cả nước đã xảy ra 7.829 vụ xâm hại trẻ em, với 7.767 trẻ em bị xâm hại. Trước đó, báo cáo tại hội thảo về xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức cho thấy, có đến 68,4% trẻ em nước ta từng bị bạo hành, xâm hại. Bình Phước hiện có 303.666 trẻ em, trong đó 3.541 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo đánh giá, bình quân mỗi năm ở Bình Phước xảy ra 50 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 90% bị xâm hại tình dục.

Nhiều ý kiến cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại trẻ em ở Bình Phước cao hơn mức bình quân của các tỉnh trong cả nước. Trước hết là do tỉnh có địa bàn rộng, dân cư sinh sống không tập trung, mức thụ hưởng văn hóa, giải trí chưa cao. Nhiều gia đình vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên ít dành thời gian quan tâm, chăm sóc, giáo dục và quản lý con. Đặc biệt, tình trạng “đổ vỡ” hạnh phúc xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là ở các gia đình trẻ nên vấn đề chăm sóc con hậu ly hôn ít được quan tâm dẫn đến bạo hành trẻ em ngày càng nhiều. Trong khi đó, đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, chủ yếu là lao động tự do hoặc không nghề nghiệp, lười lao động, lối sống lệch chuẩn. Ngoài ra, tình trạng trẻ bị bạo hành, xâm hại bởi người thân, người quen với gia đình là điều không hiếm như mẹ kế, cha dượng hành hạ con riêng của vợ hoặc chồng. Hàng xóm lợi dụng sự thân quen với gia đình để xâm hại bé gái... 

Ngoài các nguyên nhân đã nêu còn các yếu tố khác như việc thực thi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và chính sách về chăm sóc trẻ em chưa được triển khai đồng bộ. Các cấp chính quyền ở cơ sở chưa chú trọng công tác bảo vệ trẻ em. Việc chi trả phụ cấp cho đội ngũ phụ trách về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em tại các xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố đã bãi bỏ từ năm 2016 gây ra không ít khó khăn trong hoạt động này. Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp những yêu cầu ngày càng cao của công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nên sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa chặt chẽ và thiếu hiệu quả. Song song đó là tình trạng gia đình nạn nhân giấu giếm sự vụ vì sợ ảnh hưởng đến tương lai của con; các cơ quan bảo vệ pháp luật còn “nương nhẹ” trong xử lý các đối tượng phạm pháp... nên chưa ngăn chặn được các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em...

Để công tác chăm sóc và bảo vệ, phòng tránh bạo lực, xâm hại trẻ em đạt hiệu quả cao hơn nữa, ngoài tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, huy động sự chung sức của cả cộng đồng... thì cần phải quyết liệt hơn nữa trong xử lý hành vi vi phạm lĩnh vực này. Bởi, ý thức người dân nếu không được nâng cao, hành vi phạm tội không được xử lý nghiêm tức là còn “thỏa hiệp” với cái ác thì khi đó rất khó để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109186

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu