Thứ 5, 09/05/2024 20:30:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:46, 05/09/2019 GMT+7

Sẽ hết đường... đòi nợ thuê

Thứ 5, 05/09/2019 | 09:46:00 186 lượt xem
BP - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa chính thức đề xuất đưa 12 ngành nghề vào danh mục cấm trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, trong đó có ngành nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Đề xuất này có rất nhiều ý kiến trái chiều nhưng phần đông dư luận đều ủng hộ và mong muốn sớm được thông qua.

Những năm qua, tình hình các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thu nợ nở rộ như nấm sau mưa. Đặc biệt, hoạt động của các doanh nghiệp này đã bị biến tướng từ dịch vụ thu nợ sang “đòi nợ thuê” gây hoang mang dư luận và để lại nhiều hậu quả xấu về an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nhiều vụ đòi nợ thuê bằng các hành vi khủng bố tinh thần, bắt cóc, đánh đập, đe dọa, trấn áp người nợ và các vụ án mạng có liên quan gây chấn động xã hội. Trong khi đó, nhân viên các doanh nghiệp này hầu hết là những thành phần bất hảo ngoài xã hội, coi thường kỷ cương phép nước, luôn hành xử bằng vũ lực nhằm đạt mục đích đòi nợ cho người đã thuê. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp đòi nợ thuê đều mang dáng dấp của băng nhóm tội phạm, hoạt động theo kiểu xã hội đen và phạm vào các tội cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích... Theo báo cáo của Công an thành phố Hồ Chí Minh, chỉ riêng địa phương này hiện có 67 công ty thu hồi nợ, trong đó 46 doanh nghiệp được cấp giấy phép. Tuy nhiên, 99% các công ty này khi hoạt động đều sai nguyên tắc, sai quy định đăng ký nhân viên thu hồi nợ.

Tại Bình Phước tuy chưa có công ty đòi nợ thuê nào đặt trụ sở hoạt động. Tuy nhiên, tình trạng một số doanh nghiệp từ Đồng Nai, Bình Dương hay thành phố Hồ Chí Minh lên Bình Phước để đòi nợ thuê là không hiếm. Ví như một hộ dân ở phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài vay ngoài xã hội hơn 25 tỷ đồng để làm ăn nhưng không có điều kiện trả nợ. Sau nhiều lần đòi không được, mới đây chủ nợ phải thuê một công ty từ thành phố Hồ Chí Minh đến đòi nợ thay. Để đòi được nợ, công ty này đã bố trí hàng chục nhân viên “đóng chốt” các ngả đường vào nơi ở của người vay tiền. Đồng thời còn “bao vây” căn nhà của người nợ trong thời gian dài nhằm gây áp lực, buộc “đương sự” phải trả nợ. Vụ việc này đã ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh trật tự tại khu dân cư và gây cảm giác lo lắng cho những hộ dân trong vùng.

Hoạt động trong lĩnh vực thu nợ ở nước ta được điều chỉnh bởi Nghị định số 104/2007/NĐ-CP và Nghị định số 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, ranh giới giữa dịch vụ đòi nợ hợp pháp và bất hợp pháp rất mong manh nên bị biến tướng thành các hành vi phạm tội cần phải chấm dứt hoạt động. Ngoài ra, đưa “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục cấm sẽ “trám được lỗ hổng” hành lang pháp lý trong quản lý ngành nghề ở nước ta hiện nay. Bởi khi hệ thống pháp lý về vấn đề thu hồi nợ đầy đủ và nhanh gọn thì sẽ không phát sinh hoạt động đòi nợ thuê.

Vì vậy, trước khi chờ Quốc hội thông qua dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung, Chính phủ cần đưa thêm các quy định khắt khe để siết chặt hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê làm lành mạnh hóa môi trường xã hội và thu hút đầu tư, kinh doanh của đất nước, đồng thời góp phần xóa bỏ nạn “tín dụng đen” đang hoành hành.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109181

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu