Thứ 2, 20/05/2024 06:26:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:00, 29/08/2019 GMT+7

Thêm động lực phát triển

Thứ 5, 29/08/2019 | 10:00:00 120 lượt xem
BP - Tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Bình Phước vào ngày 26-8 vừa qua, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, hai địa phương sẽ có sự phối hợp chặt chẽ để phát triển trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng, hành chính, giáo dục... Đây là cơ hội để Bình Phước có thêm động lực trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.

Sau ngày tái lập, Bình Phước có cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ dân trí và năng lực sản xuất thấp nên đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn. Hơn 22 năm qua, Bình Phước vừa phát huy nội lực vừa tranh thủ sự hỗ trợ của các tỉnh, thành bạn và các bộ, ngành Trung ương để tạo động lực phát triển. Từ đó, các tuyến đường giao thông ở vùng sâu, vùng xa như Minh Hưng - Bom Bo - Đắk Nhau (Bù Đăng), Phước Bình (Phước Long) đi Thanh Hòa (Bù Đốp); cầu Sài Gòn (Lộc Ninh), cầu Trà Thành, cầu Đa Kia cùng hệ thống trường học, trạm y tế... được xây dựng mang đậm dấu ấn nghĩa tình của các tỉnh, thành bạn và đơn vị kinh tế. Từ những công trình này cùng với sự đầu tư hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất, kỹ thuật của tỉnh đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng sâu, vùng xa. Đồng thời còn làm thay đổi tư duy của người dân trong phát triển kinh tế, nhất là tại những vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ năm 2006, Bình Phước đã ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế, xã hội với thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, chương trình chia thành 2 giai đoạn gồm từ năm 2006-2013 và từ năm 2014-2020, giữa mỗi giai đoạn đều có sơ kết, đánh giá riêng. Thực hiện chương trình này, thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực vận động, khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực ở thành phố đến đầu tư tại Bình Phước trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, phát triển đô thị, thương mại, du lịch, y tế, giáo dục... với nhiều kết quả rất khả quan. Giai đoạn 2014-2020, có 79 dự án của các doanh nghiệp đến từ thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào Bình Phước, với số vốn đăng ký gần 12.400 tỷ đồng. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi tiêu thụ khoảng 22% sản phẩm nông nghiệp của Bình Phước như cao su, hạt điều, hạt tiêu, tinh bột mì... Thành phố Hồ Chí Minh cũng hỗ trợ Bình Phước đào tạo bác sĩ đa khoa; đưa Bệnh viện đa khoa tỉnh thành đơn vị vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy... Và khoảng 85% sản phẩm tiêu dùng tại Bình Phước đều do các doanh nghiệp đến từ thành phố Hồ Chí Minh phân phối.

Không chỉ với thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước còn ký kết chương trình hợp tác phát triển với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam từ năm 2011. Với chương trình này, Bình Phước đã có thêm gần 3.300 ha đất để thực hiện các dự án khu công nghiệp, dân cư. Tập đoàn cũng đã thực hiện nhiều dự án như khu công nghiệp, giao thông, hạ tầng đô thị... đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Bình Phước thời gian qua. Trong giai đoạn 2014-2020, tập đoàn và tỉnh đã ký kết chương trình hợp tác với 12 nội dung, riêng về công tác phối hợp xây dựng Đảng có 7 nội dung...

Nhờ hiệu quả từ các chương trình phối hợp, hợp tác nói trên nên hằng năm, kinh tế Bình Phước đều có mức tăng trưởng cao so với mặt bằng chung cả nước. Diện mạo của tỉnh có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện với thu nhập bình quân đạt 58,3 triệu đồng/năm, thu ngân sách nhà nước tăng hơn 48,1 lần so với năm 1997. Vì vậy, việc hợp tác với thành phố Hà Nội sẽ tạo cho Bình Phước thêm cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, xã hội. 

Tấn Phong

  • Từ khóa
109177

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu