Thứ 2, 20/05/2024 05:19:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:02, 27/08/2019 GMT+7

Lựa chọn sau quy hoạch

Thứ 3, 27/08/2019 | 09:02:00 122 lượt xem

Tại hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững ở Đắk Nông tổ chức ngày 23-8-2019, với sự tham gia của lãnh đạo 20 tỉnh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đề nghị, thời gian tới cần ổn định diện tích trồng tiêu cả nước ở mức 100 ngàn héc ta, đồng thời đẩy mạnh canh tác theo hướng hữu cơ.

Đây cũng là 2 vấn đề được quan tâm ở tầm chiến lược của ngành này trong khoảng 5 năm trở lại đây, kể cả khi hồ tiêu đang trên đỉnh của giá, đỉnh của lợi nhuận giai đoạn 2014-2016. Và cũng không chỉ lãnh đạo ngành nông nghiệp, mà còn có các nhà khoa học, doanh nghiệp, thậm chí cả những nhà nông trồng tiêu diện tích lớn cũng từng nhiều lần lên tiếng về việc này.

Năm 2010, cả nước chỉ có 51,3 ngàn héc ta, đến năm 2017 đã lên 151,9 ngàn héc ta hồ tiêu, trong khi quy hoạch của ngành nông nghiệp chỉ là 50 ngàn héc ta. Giá lao dốc từ năm 2016 và hiện chưa bằng số lẻ của mức 250 ngàn đồng/kg của năm 2015 nhưng ít ai đủ can đảm phá vườn tiêu để chuyển sang trồng loại cây khác. Người nông dân ví von rằng một khi đã “yêu” cây hồ tiêu thì cháy bỏng và khó dứt ra. Bởi nó đem đến niềm hạnh phúc không loại cây trồng nào bằng, chỉ cần trúng vài ba năm có thể trở thành tỷ phú. Nhưng cũng sẽ cay đắng thấu tim nếu vướng chết nhanh, chết chậm hoặc giá thu mua xuống dưới giá thành. Vì suất đầu tư hồ tiêu không dưới 500 triệu đồng/ha cho đến khi thu hoạch và trồng tiêu thường là nhà nông có nghề, không cần hoặc không có diện tích đất nhiều.

Đã có hàng ngàn tin tức, bài viết về hồ tiêu vượt quy hoạch, phá vỡ quy hoạch, cần ổn định diện tích, cần canh tác theo hướng hữu cơ... Câu chuyện đó không mới. Nó cũ mèm như tên gọi “chết nhanh, chết chậm” do người dân chiêm nghiệm rồi đặt ra chứ chưa có kết quả nghiên cứu khả dĩ nào, chưa có tên gọi khoa học, tên gọi chính thức nào về bệnh này. Cây tiêu cho lợi nhuận kinh tế lớn, Việt Nam là nước xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới bao năm qua, nhưng đến nay cũng chưa có một bộ giống chuẩn cho nó... Nêu lên những vấn đề đó để thấy thực trạng cây tiêu - một trong những cây trồng chủ lực quốc gia đã và đang được quan tâm như thế nào.

Quy hoạch hay sản xuất theo hướng hữu cơ - hai vấn đề cốt lõi của ngành hồ tiêu nếu vẫn chỉ là hô hào, kêu gọi mà không có giải pháp hữu hiệu, ngành hồ tiêu sẽ vẫn tiếp tục mạnh ai nấy sống. Vẫn biết tìm lời giải cho bài toán nào sau quyết định quy hoạch của ngành nông nghiệp cũng khó. Bởi cơ quan chức năng ban hành, nhưng thực hiện quy hoạch ấy là hàng ngàn nông dân. Họ sản xuất trên thửa đất họ làm chủ, chọn cây trồng hay vật nuôi gì không chịu sự chi phối nào, tất cả do chính họ quyết định. Nhưng không có giải pháp, những quy hoạch ấy chẳng phải chỉ mang tính hình thức mà không có hiệu lực trong thực tế hay sao?

Nếu khuyên nhủ, kêu gọi không được, còn có cách nào? Chắc chắn là có, vấn đề là lựa chọn sao cho phù hợp mà thôi. Chế tài trực tiếp để buộc người dân trồng cây đúng quy hoạch kiểu như nhà chỉ được cất trên đất thổ cư thì khó, bởi nông dân trồng cây gì không cần ai cấp phép như doanh nghiệp cần giấy phép hoạt động... Nhưng cũng có cách khác chưa được đề cập hay thực hiện ở đâu. Đó là khuyến khích hay không khuyến khích cho vay vốn, thu thuế hay miễn thuế đối với đất trồng cây nào, ở đâu, sản xuất theo phương pháp nào...

Tất nhiên, làm như thế sẽ thêm việc cho cơ quan chức năng. Nhưng không làm sẽ khó thực hiện được quy hoạch và nông dân sẽ vẫn tiếp tục trông chờ vào sự may rủi mà thôi.

Hưng Nguyên

  • Từ khóa
109175

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu