Thứ 2, 20/05/2024 07:07:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:00, 08/08/2019 GMT+7

Phải rũ bỏ lòng tham

Thứ 5, 08/08/2019 | 09:00:00 125 lượt xem

BP - Cuối tháng 7 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức phiên tòa hình sự sơ thẩm để xét xử các bị cáo: Vũ Đình Vũ (1965), Hồ Thị Thư (1967) và Trần Đình Chinh (1960) trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Điều đáng nói, chỉ với chiêu lừa rất cũ là mời gọi người dân góp tiền đầu tư vào các “dự án ma” do các đối tượng vẽ ra để hưởng lãi suất cao từ 37-200% mỗi tháng, nhưng chỉ vì lòng tham nên rất nhiều người đã nhận trái đắng.

Lợi dụng lòng tham của người dân, bộ ba lừa đảo này đã mở công ty riêng tại thành phố Đồng Xoài rồi “tưởng tượng” ra các dự án như xây dựng hệ thống quán cà phê, sản xuất nấm linh chi đỏ, chuỗi siêu thị mini tự chọn, dịch vụ du lịch lữ hành, khai thác khoáng sản... kêu gọi mọi người góp vốn đầu tư để chiếm đoạt tài sản. Theo đó, các đối tượng lấy tiền của người góp vốn sau trả cho người góp trước một phần gọi là lợi nhuận đầu tư, còn lại thì chiếm đoạt. Người góp vốn muốn hưởng lãi suất cao phải kêu gọi được nhiều người cùng tham gia. Đây chính là kiểu góp vốn theo hình thức bán hàng đa cấp nên nhiều người khi đã “dính bẫy” phải ngậm bồ hòn làm ngọt và trở thành công cụ cho bọn lừa đảo. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục người dân ở Đồng Xoài, Đồng Phú, Chơn Thành, Hớn Quản, Phú Riềng và huyện Phú Giáo (Bình Dương) đã bị lừa. Điều đáng nói, người tham gia góp vốn đã u mê trước số lợi nhuận siêu lớn do các đối tượng vẽ ra nên mất cảnh giác. Với những ai có tính thận trọng chỉ nhìn vào trụ sở công ty (là một căn nhà cấp 4 xập xệ được thuê) sẽ tự đặt câu hỏi về năng lực của doanh nghiệp này. Chưa kể việc phải tìm hiểu quy mô các dự án và địa điểm xây dựng ở đâu, có hay không quyết định cấp phép của các cơ quan chức năng... trước khi góp vốn.

Trước đây, “cơn bão tín dụng đen” tràn vào Bình Phước đã làm hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh điêu đứng. Bằng thủ đoạn huy động vốn trái phép trong dân với lãi suất cao đã khiến không ít người gom tiền của anh em, bạn bè, người thân rồi cho người khác vay để hưởng tiền lời. Sau khi người vay có được số tiền lớn, họ tuyên bố mất khả năng chi trả để “xù nợ”. Nhiều vụ vỡ nợ các đường dây “tín dụng đen” ở tỉnh ta trong những năm qua như Nguyễn Thị Sạnh (Chơn Thành), Huỳnh Thị Lý (Đồng Xoài)... vẫn không làm cho nhiều người “sáng mắt”, chỉ cần nghe lãi suất cao là lòng tham trỗi dậy. Nguy hiểm hơn, khi người góp vốn trước được nhận tiền lời (tiền của người góp vốn sau) cứ tưởng doanh nghiệp làm ăn hiệu quả nên kêu gọi người thân, anh em, bạn bè cùng góp vốn. Đến khi đổ bể thì anh em từ mặt, bạn bè trở thành đối tượng bị công kích, tố cáo lẫn nhau, an ninh trật tự ở khu dân cư trở nên phức tạp.  

Lưới trời lồng lộng tuy thưa nhưng khó thoát, những kẻ lừa đảo sớm muộn gì cũng sẽ bị sự trừng phạt của pháp luật, đồng thời còn bị bản án lương tâm đeo bám mãi. Tuy nhiên, để kẻ lừa đảo không còn đất sống, người dân cần nêu cao ý thức cảnh giác, tránh bị lợi dụng. Ngành chức năng cần tăng cường công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy phép kinh doanh. Đặc biệt, cần phải hình sự hóa các quan hệ vay mượn tiền nhưng không trả, nghiêm cấm hình thức huy động vốn trái phép với lãi suất cao trong nhân dân và tăng mức hình phạt đối với những kẻ lừa đảo để răn đe đối tượng khác.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109162

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu