Thứ 2, 20/05/2024 09:00:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:35, 02/08/2019 GMT+7

Văn hóa và học thức

Thứ 6, 02/08/2019 | 09:35:00 171 lượt xem
BP - Mới đây, một trang báo mạng đã chia sẻ hình ảnh đôi bàn chân “hư đốn” của một người đàn ông ngồi ghế sau gác trên đầu 2 vị khách lớn tuổi ngồi ở ghế phía trước trên xe khách. Sự việc này đã thu hút sự tranh luận của số đông và “châm ngòi” cho không ít người liệt kê sự vô ý thức, thiếu văn hóa nơi công cộng.

Cụ thể như việc chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty hoạt động về bất động sản đã đe dọa tiếp viên trưởng (của hãng hàng không Vietnam Airlines) khi anh kiên quyết xử lý việc ông này sàm sỡ một hành khách nữ trên cùng chuyến bay vào cuối tháng 7 vừa qua; hình ảnh một cô gái mặc quần ngắn ngang nhiên gác hai chân lên ghế trong rạp chiếu phim; hay vụ á khôi doanh nhân lên mạng xúc phạm nặng nề thầy hiệu trưởng một trường THPT ở Kiên Giang khi con của cô bị ở lại lớp... Điều đó cho thấy, trong xã hội vẫn tồn tại một bộ phận người tỏ vẻ giàu có, học thức cao nhưng lối ứng xử lại thiếu chuẩn mực, gây bức xúc trong cộng đồng.

Những người có địa vị, “chỗ đứng” trong xã hội ắt hẳn phải có trình độ học vấn nhất định. Tuy nhiên, cách hành xử của họ từ học thức đến văn hóa ứng xử chẳng ăn nhập với nhau. Những lời nói, hành vi thiếu chuẩn mực, coi thường luật pháp của những người này khiến mọi người xem thường. Hai khái niệm “người có trình độ văn hóa” và “người có văn hóa” đã không thể đồng nhất trong một con người là vì thế! Chất văn hóa trong mỗi con người không thể hiện ở nhiều văn bằng, chứng chỉ mà bộc lộ qua cách giao tiếp, ứng xử hằng ngày. Nhiều người tích lũy ở sách vở, ở trường đời, ở người khác và trở thành người có kinh nghiệm, vốn sống, tế nhị, lịch lãm, biết thông cảm, sẻ chia... Nhưng không hiếm người học cao, mang vẻ sang chảnh lại trịch thượng, xem thường người khác và họ tự biến mình thành người: thiếu văn hóa!

“Vô học bất thuật” là điều hiển nhiên, nhưng có học mà bị nói là vô văn hóa mới thật đau lòng. Từ đó cũng cho thấy, quả thật họ chưa trang bị đủ kiến thức, văn hóa ứng xử để như “người có học”. Những hành vi coi thường người khác, thiếu suy nghĩ, coi thường pháp luật thì hậu quả họ nhận lại là đánh mất hình ảnh bản thân mà đôi khi phải mất rất nhiều năm mới gây dựng được. Đó là điều đáng tiếc cho chính họ.

 “Bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người” (ngạn ngữ), vì thế đừng bao giờ quên trang bị kiến thức, quên đi vai trò của văn hóa cá nhân. Nó vô cùng quan trọng trong đời sống hằng ngày với mỗi người. Mỗi thời đại có những chuẩn mực văn hóa khác nhau nhưng chung quy vẫn là phép ứng xử lịch thiệp trong giao tiếp, sống hòa thuận trong gia đình, tôn trọng và tuân thủ pháp luật, quy định nơi công cộng. Như Balzac khẳng định: Lịch sự và khiêm tốn chứng tỏ con người có văn hóa thật sự.

Tri thức và văn hóa mãi là kho tàng vô giá mời gọi con người tìm tòi, khám phá, trau dồi bất kể ở đâu, bất kỳ lúc nào... Đừng mải mê theo đuổi một điều gì đó mà quên đi việc trau dồi học thức, vốn văn hóa, tạo hành trang kiến thức, làm giàu tâm hồn mình để đến khi bị xem thường, mỉa mai “giàu mà kém sang”, “địa vị cao mà rỗng tuếch” mới cay đắng, ân hận thì cũng đã muộn. Xin mượn câu nói của Ostrovsky để kết bài viết và cũng là lời nhắc nhở mọi người ghi nhớ: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí...” (Thép đã tôi thế đấy).

An Nhiên

  • Từ khóa
109159

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu