Thứ 2, 20/05/2024 07:26:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:34, 01/08/2019 GMT+7

Sáng mãi một đạo lý

Thứ 5, 01/08/2019 | 08:34:00 91 lượt xem
BP - Những ngày qua, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động tri ân đối với thương - bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Cùng với đó là kết quả thực hiện các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã làm sáng thêm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Là đất nước có bề dày truyền thống đấu tranh chống xâm lược, dân tộc Việt Nam đã ghi vào lịch sử những bản hùng ca bất tử về độc lập dân tộc gắn với thống nhất Tổ quốc. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới, hàng triệu người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống. Người may mắn trở về thì mang trong mình đầy thương tích và những di chứng của chiến tranh... Hiện cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ, trên 8,8 triệu người có công và khoảng 115.000 Mẹ Việt Nam anh hùng... cho thấy sự hy sinh của cha ông ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước là vô cùng to lớn.

Trên địa bàn Bình Phước hiện có 8.896 gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Trong đó còn khoảng 44 gia đình người có công có cuộc sống tương đối khó khăn do đã cao tuổi, hết khả năng lao động... và hàng trăm trường hợp khó khăn về nhà ở. Những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt chính sách chăm lo đời sống gia đình chính sách, người có công, thân nhân liệt sĩ. Thông qua các quỹ như “Đền ơn đáp nghĩa”, các cấp, ngành đã đóng góp và kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng, cùng với Nhà nước thực hiện tốt công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công, thân nhân liệt sĩ... Đồng thời tiếp nhận và giải quyết nhanh các chế độ, chính sách, xây tặng hàng ngàn căn nhà tình nghĩa, tình thương, mái ấm đồng đội... cho các đối tượng chính sách, người có công còn khó khăn về nhà ở; vận động các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp... nhận phụng dưỡng suốt đời các Mẹ Việt Nam anh hùng. Hỗ trợ trang thiết bị, vật tư, vốn để gia đình chính sách, người có công và thân nhân liệt sĩ có thêm điều kiện, động lực vươn lên phát triển kinh tế. Ngoài ra, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa khác cũng được triển khai sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân như thắp nến tri ân, chăm sóc và tôn tạo các phần mộ tại nghĩa trang liệt sĩ. Trồng cây xanh, hoạt động về nguồn, chung tay xây dựng công trình thanh niên tại các di tích lịch sử; tri ân sâu sắc các thương - bệnh binh, liệt sĩ, người có công đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những hoạt động nêu trên không chỉ diễn ra trong dịp kỷ niệm Ngày thương binh - liệt sĩ 27-7, mà được thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt chặng đường 72 năm qua.

Ngày nay, được sống trong một đất nước hòa bình, ổn định, chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa. Việc chăm lo đời sống cho thương - bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công không những thắp sáng thêm đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hay “Uống nước nhớ nguồn”... mà còn giáo dục truyền thống, giá trị của độc lập dân tộc cho các thế hệ. Vì vậy, trong bối cảnh mở cửa, hội nhập và giao lưu kinh tế quốc tế, các cấp, ngành cần tăng cường giáo dục tư tưởng để nêu cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của toàn xã hội đối với thương - bệnh binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. 

Tấn Phong

  • Từ khóa
109158

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu