Thứ 2, 20/05/2024 09:03:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:55, 26/07/2019 GMT+7

Làm đẹp cho đời từ sự biết ơn!

Thứ 6, 26/07/2019 | 09:55:00 170 lượt xem
BP - Một nữ sinh ở Bến Cát, Bình Dương bị mất xe máy và được các hiệp sĩ thuộc biệt đội săn bắt cướp tỉnh này tìm giúp. Nhưng cô gái này lại buông một câu vô cảm: “Nhà em có camera, các anh không bắt được thì em cũng giao công an tìm ra à”. Nói xong, nữ sinh nhận xe mà không một lời cảm ơn khiến dư luận dậy sóng vì quá “sốc”. Đã có gần 3.000 bình luận thể hiện sự bất bình. Quả thật khó có thể thông cảm với cách hành xử kiểu vô ơn.

Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải - người trực tiếp tìm lại xe bị trộm và nghe nữ sinh nói lời vô ơn - vẫn vị tha cho rằng: “Chúng tôi bắt được trộm là mừng lắm rồi, còn chuyện bị hại không cảm ơn hay nói từ ngữ khác thì đấy là việc của mỗi người, mình không thể nói được. Chúng tôi không trách móc những người đó, nhưng một người thông minh hay biết cư xử thì lời cảm ơn không đáng gì”. Họ ra tay nghĩa hiệp chỉ vì quan điểm: Đang làm công việc tốt cho người dân, miễn sao dân thấy vui và tìm lại được của cải đã mất là mừng rồi...! Đó là tấm chân tình của những chàng Lục Vân Tiên thời hiện đại.

Nếu ai đã đọc đoạn truyện thơ Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (tác giả Nguyễn Đình Chiểu) hẳn sẽ không bao giờ quên cảnh chàng trai nghĩa hiệp đánh cướp để cứu mỹ nhân. Khi được cứu thoát, Nguyệt Nga đã vô cùng cảm động, muốn được đền đáp công ơn người anh hùng: “Gẫm câu báo đức thù công/ Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”. Lục Vân Tiên đã khước từ một cách cao thượng: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn?”. Và đó là chuyện của cả hai người đều có tấm lòng trượng nghĩa, biết sống đúng đạo làm người, mang ý nghĩa giáo dục cao đẹp. Còn cô sinh viên sắp trở thành “thầy” để “trồng người” đã “ngốn” bao nhiêu sách thánh hiền, trau dồi bao nhiêu bài đạo đức lại không biết nói lời cảm ơn và ai có thể thông cảm về sự thiếu hụt căn bản này?

Cô có thể non nớt trong giao tiếp, ứng xử, non nớt trong hiểu biết cuộc sống, sự từng trải ở đời. Nhưng biện hộ làm sao đây khi đứa trẻ lên ba đã được học về cách cảm ơn khi được giúp đỡ, cho - tặng, thậm chí chỉ là được bạn nhường đồ chơi; biết xin lỗi khi làm sai, làm phiền ai đó... Vậy mà ở tuổi mười chín, đôi mươi vẫn “non nớt”, thiếu kinh nghiệm sao? Cô đáng trách hay trách gia đình, nhà trường, xã hội đã không dạy dỗ cô đến nơi đến chốn?! Điều dễ thấy, một gia đình có văn hóa là nơi mọi người đều biết nói lời cảm ơn và xin lỗi. Một xã hội văn minh là nơi mà mọi người biết xin lỗi từ những chuyện nhỏ nhặt mà mình đã gây ra cho người khác và biết cảm ơn nhau từ những điều hết sức bình thường trong các mối quan hệ ứng xử. Trong khi đó, nói lời cảm ơn, xin lỗi đúng lúc còn làm cho mọi người cùng vui vẻ, hạnh phúc; củng cố các mối quan hệ, cải thiện sức khỏe và giảm thiểu stress. Khi ta trân trọng và thể hiện sự biết ơn đúng nghĩa, cuộc sống sẽ tươi sáng hơn và mang cho ta thêm nhiều điều tốt lành.

Được biết qua báo chí, gia đình nữ sinh này đã đến cảm ơn và xin lỗi các hiệp sĩ trong đội hiệp sĩ săn bắt cướp Bình Dương và mong mọi người tha thứ cho con gái họ. Nhưng đây cũng là bài học cho nhiều người. Ở mỗi ngôi trường chúng ta đã và đang học tập, tấm biển lớn vẫn sừng sững từ lối cổng vào như nhắc nhở thầy - trò mỗi ngày: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Điều đó cũng như nói với mọi người rằng, biết ơn sẽ giúp cuộc đời của chúng ta tốt đẹp hơn.

An Nhiên

  • Từ khóa
109154

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu