Thứ 2, 20/05/2024 06:26:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:47, 23/07/2019 GMT+7

Vá những lỗ hổng

Thứ 3, 23/07/2019 | 08:47:00 151 lượt xem

BP - YouTuber Ông Mập Vlog đăng tải clip người con trai bất ngờ leo lên cao đổ chậu trứng sống, đổ cả mấy chai nước mắm lên đầu chính người đã sinh ra mình với lý do kênh đạt 1.000 lượt theo dõi và bà mẹ phẫn nộ, mắng mỏ, cầm chổi đuổi đứa con trai ngỗ ngược ra khỏi nhà. Ngay khi đoạn clip được đăng tải tuần qua đã thu hút 12.000 lượt xem. Chủ kênh Ông Mập Vlog đã nhận không ít búa rìu từ cộng đồng mạng. Đây không phải trường hợp đầu tiên YouTuber có những hành động lố bịch, phản cảm được đưa lên mạng nhằm “câu view” kiếm tiền.

Cũng trong tuần qua, tại nhiều địa phương trên cả nước đã tổng kết chương trình học kỳ trong quân đội năm 2019 vô cùng ý nghĩa. Ở Bình Phước, ngày 20-7, tại Tiểu đoàn 208 diễn ra bế giảng chương trình học kỳ trong quân đội lần thứ X, khóa 2/2019 với 115 học sinh tham gia, trong đó có 22 học sinh nữ và 93 học sinh nam, 3 em là người dân tộc thiểu số. Đây là năm thứ 10 học sinh Bình Phước tham gia với 16 khóa huấn luyện và có 1.464 em tham gia.

Xã hội không ngừng phát triển. Cùng với bao điều tốt, bao tri thức của nhân loại được nhân lên mỗi ngày, cũng có không ít hành động lệch chuẩn, phi đạo đức diễn ra. Các nhà khoa học giáo dục đúc kết và thực tiễn đã chứng minh trẻ em như búp trên cành hay trẻ em như tờ giấy trắng, người lớn muốn vẽ gì lên đó thì vẽ. Một đứa trẻ ngoan hay đứa trẻ hư không phải sinh ra đã như vậy mà đều do sự chăm sóc, giáo dục của cha mẹ, người thân và môi trường xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên” (bài thơ Nửa đêm - Nhật ký trong tù).

Một đứa trẻ lớn lên, hình thành tính cách tốt hay xấu phụ thuộc đầu tiên và quan trọng nhất vào sự giáo dục của người lớn trong gia đình, nhà trường và môi trường xã hội, các hoạt động xã hội mà trẻ tham gia. Ngày nay, trước sự tác động của cuộc sống hiện đại gấp gáp, nhiều gia đình quá chú trọng vào chuyện cơm áo - gạo tiền mà lơ là giáo dục, dạy dỗ con cái. Học sinh cần “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhưng nhà trường vì chạy theo kết quả học tập, chỉ chú trọng dạy “văn” mà xao nhãng việc dạy “lễ”. Xã hội xô bồ, nhiều giá trị cốt lõi của dân tộc hay đạo làm người bị lãng quên, bị xâm phạm. Một bộ phận trẻ em không biết đến truyền thống của người Việt “Uống nước nhớ nguồn/Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Tôn sư, trọng đạo”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”... Thay vào đó là đòi hỏi “quyền cá nhân”, quyền được nói, được làm bất kỳ điều gì mình muốn miễn là không phạm pháp. Có thể đòi hỏi đó không phạm pháp vì không pháp luật nào phủ kín mọi khía cạnh đạo đức, nhưng nó lại đi ngược với các chuẩn mực từ lương tâm.

Những điều ấy không khác gì các lỗ hổng trong tâm hồn, rất cần cả bậc làm cha mẹ, gia đình, nhà trường và xã hội phủ lấp. Học kỳ trong quân đội là một trong những giải pháp hữu hiệu không chỉ trang bị cho trẻ kỹ năng sống mà còn vá những lỗ hổng ấy. Và hơn thế, các nhà quản lý, người lớn cần có nhiều hơn các “học kỳ trong quân đội” trong mọi lĩnh vực.

Xã hội càng phát triển thì những giá trị cốt lõi càng có vai trò quan trọng, càng có ý nghĩa lớn hơn. Dân tộc Việt Nam có nền văn hiến ngàn năm. Và nền văn hiến ấy không chỉ không dễ bị xâm phạm, bị thay đổi, mà cũng luôn cần được các thế hệ người Việt Nam bồi đắp. Đó là lương tâm, là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam để không còn xuất hiện những clip như đã dẫn.

Hưng Nguyên

  • Từ khóa
109151

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu