Thứ 2, 20/05/2024 06:04:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:44, 11/07/2019 GMT+7

Chủ động phòng ngừa

Thứ 5, 11/07/2019 | 08:44:00 97 lượt xem
BP - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 649/QĐ-TTg về phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2020. Theo đó, công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội trên tinh thần chủ động phòng ngừa là chính để giảm tối đa những rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra.

Năm 2018, cả nước xuất hiện 14 cơn bão, 212 trận dông, lốc, sét; 15 trận lũ, sạt lở đất lớn; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh cục bộ... gây thiệt hại về kinh tế trên 20 ngàn tỷ đồng. Thiên tai cũng đã làm 224 người chết và mất tích; trên 33.300 căn nhà bị ngập, đổ; 261.377 ha lúa, hoa màu bị ngập; 107 tàu, thuyền bị chìm và hàng triệu con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi.

Tại Bình Phước, chỉ trong hai năm 2017-2018, mưa lũ, lốc xoáy đã làm 4 người chết và 4 người bị thương, 8 căn nhà bị sập, 415 căn nhà bị tốc mái, thiệt hại 1.456 ha cây trồng và 6 ha ao cá. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, thiên tai đã làm 58 căn nhà bị tốc mái, diện tích cây trồng các loại bị thiệt hại do mưa, lốc xoáy gây ra là 205 ha. Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ năm 2016 đến nay 883 tỷ đồng. Mới đây, trên địa bàn huyện Bù Đốp đã xảy ra lốc xoáy cuốn phăng nhiều nhà cửa, cây trồng của người dân trên địa bàn. Trong đó, tại xã Tân Thành đã có hơn 15.000 trụ tiêu, trên 1.000 cây cao su bị gãy đổ và 18 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện hiện tượng lũ ống, lũ cục bộ tại nhiều địa bàn như Đăng Hà (Bù Đăng), khu vực suối Rạt (Đồng Phú), cầu 2 (Đồng Xoài)... đã gây thiệt hại không nhỏ cho người dân trong vùng.

Theo đánh giá, vài năm gần đây thiên tai ngày càng khốc liệt, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Là quốc gia nằm ven biển, thuộc vùng khí hậu gió mùa nên Việt Nam thường xuyên bị tác động tiêu cực của thời tiết từ Thái Bình Dương tràn vào làm xuất hiện các cơn áp thấp nhiệt đới, bão... kèm theo mưa lớn gây lũ lụt, sạt lở đất. Ngoài ra, nước ta còn chịu tác động bởi khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới nên tình trạng khô hạn, nắng nóng cục bộ... cũng liên tục xảy ra. Đặc biệt, những tác động do sự biến đổi khí hậu, nạn phá rừng, khai thác tài nguyên bừa bãi... dẫn đến tình trạng mưa, bão, lũ lụt, nắng nóng diễn ra bất thường. Và tình hình thiên tai ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường vượt quá năng lực chống chịu của các hệ thống cơ sở hạ tầng phòng ngừa. Trong khi đó, một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là mất cảnh giác và xem đó là công việc của Nhà nước, của ngành chức năng.

Vì vậy, kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quan điểm chỉ đạo về xây dựng một đất nước an toàn trước thiên tai đã kịp thời hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chiến lược toàn diện để phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả tối đa, cần tăng cường giáo dục, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cộng đồng, ý thức của toàn dân về chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, trong đó lấy phòng ngừa là chính.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109143

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu