Thứ 2, 20/05/2024 06:55:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:28, 09/07/2019 GMT+7

Chuyện lớn, chuyện nhỏ

Thứ 3, 09/07/2019 | 09:28:00 112 lượt xem

BP - Ngày 6-7, tại Khu công nghiệp Becamex ở huyện Chơn Thành, trao đổi với lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành của Bình Phước và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Để xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu cũng như các nước phát triển, cần đặc biệt lưu ý vấn đề môi trường. Các nhà nhập khẩu sẽ đến kiểm tra thực tế, trong đó phải có nhà máy chế biến phân bón hữu cơ từ các trại chăn nuôi, nếu thiếu không xuất khẩu được.

Đây là lưu ý vô cùng quan trọng và cũng là phần còn thiếu của dự án chăn nuôi, chế biến thịt gà do CP Việt Nam đang triển khai để đáp ứng được những tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe của các nước phát triển như Nhật Bản, châu Âu...

Bình Phước hiện có không ít trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm, trong đó có những trang trại, doanh nghiệp hàng đầu quốc gia. Với quy mô các dự án đang triển khai, số gia cầm, sản phẩm từ gia cầm sản xuất ra trên địa bàn tỉnh chỉ trong 2-3 năm nữa có lẽ cung cấp cho cả nước cũng còn dư rất nhiều (mục tiêu sản xuất để xuất khẩu). Thế nhưng, trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến sản phẩm từ gia cầm, có một thứ rất quan trọng, thậm chí có thể nói không thể thiếu nếu muốn làm ăn lớn, nhưng Bình Phước còn thiếu. Đó là chưa có nhà máy phân bón hữu cơ xứng tầm với quy mô và chiến lược phát triển chăn nuôi của tỉnh.

Một nguyên tắc cơ bản là ngày nay chăn nuôi lớn luôn gắn với sản xuất phân bón hữu cơ. Đó là chuỗi sinh học tự nhiên. Và đó cũng là một trong những điều kiện căn bản để bảo đảm không ảnh hưởng hay bảo vệ môi trường trong lĩnh vực này. Lâu nay, một trong những vấn đề bức xúc do các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi gây ra là bởi những cơ sở này dẫn tới ô nhiễm môi trường, chất thải chưa được xử lý triệt để, là nguồn lây lan dịch bệnh... Trên địa bàn tỉnh có không ít khu dân cư phản ánh tình trạng trang trại gà, trang trại heo ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân.

Trên địa bàn tỉnh hiện mới chỉ có Nhà máy phân bón Đồng Phú, chế biến phân bón từ chất thải của trang trại gà thuộc Tập đoàn Hùng Nhơn. Còn chất thải của hàng chục trang trại gà, trang trại heo, trang trại dê cũng như hàng chục ngàn con trâu, bò đang trôi nổi tự do ngoài thiên nhiên... Sự trôi nổi, tự do ấy không thể bám trụ được trong thời đại của nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hiện đại.

Ở góc độ kinh tế khi không tận dụng được tối đa sản phẩm, nguyên liệu, lâu dài hoặc làm ăn lớn sẽ dẫn tới thua kém, thất bại. Ở góc độ kinh tế gắn với những yếu tố khác như văn hóa, môi trường... cũng không thể bám trụ lâu dài. Bởi đơn giản, những nước càng phát triển, giá hàng hóa càng cao nhưng yêu cầu hàng hóa cũng cao theo. Để xuất khẩu thịt gà hay sản phẩm từ thịt gà vào châu Âu, phải chứng minh được không chỉ có cơ sở chăn nuôi gà, mà còn phải có nhà máy chế biến phân bón từ phân gà, lông gà, phế liệu từ chế biến thịt gà... Yêu cầu này nhằm bảo vệ môi trường. Vì nếu không sử dụng để chế biến phân bón, thì số phế phẩm ấy đổ đi đâu? Chỉ có ông trời không nói thành lời được phải lãnh nhận và hậu quả cuối cùng là con người gánh chịu.

Làm ăn lớn ắt phải tính đến những chuyện lớn. Và với mục tiêu xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường lớn, thì xây dựng nhà máy chăn nuôi, chế biến sản phẩm từ gia súc, gia cầm, buộc phải đi liền với nhà máy chế biến phân bón hữu cơ, cũng không thể là chuyện nhỏ được.

Trần Phương

  • Từ khóa
109141

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu