Thứ 2, 20/05/2024 16:31:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 11:03, 26/06/2019 GMT+7

Hướng đến một chính quyền điện tử

Thứ 4, 26/06/2019 | 11:03:00 191 lượt xem
BP - Hệ thống thông tin phục vụ hội nghị và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) chính thức được đưa vào hoạt động sáng 24-6. Theo đó, các phiên họp Chính phủ sẽ không cần nhiều thời gian cho thảo luận, biểu quyết vì có thể thực hiện trên môi trường điện tử. Các bộ trưởng vắng mặt ở phiên họp Chính phủ vẫn có thể tham gia biểu quyết qua iPad, iPhone... Đây chính là công cụ quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Một thực tế ai cũng thấy là cán bộ, công chức các cấp phải dự họp, hội thảo quá nhiều. Song song đó, vấn đề in, sao các văn bản, báo cáo phục vụ cuộc họp cũng ngày càng lớn, gây lãng phí cả về thời gian và tiền bạc. Mặc dù hệ thống công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước ngày càng được đầu tư hiện đại với số tiền nhiều tỷ đồng, nhằm giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); giảm họp hành nhờ họp trực tuyến... nhưng thực tế không phải vậy, mà ngược lại số lượng các cuộc họp vẫn không hề giảm, còn tiến độ giải quyết TTHC vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Bình Phước cũng chung thực trạng đó. Năm 2018, số hồ sơ dịch vụ công phát sinh trực tuyến của tỉnh rất thấp. Cụ thể, tỷ lệ TTHC cung cấp mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trong năm là 2,75%, trong khi chỉ tiêu Trung ương đưa ra tối thiểu 60%; tỷ lệ hồ sơ TTHC trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 1,38%, chỉ tiêu của Trung ương đưa ra là 40%; tỷ lệ hồ sơ TTHC trực tuyến mức độ 4 đạt 7,36%, chỉ tiêu của Trung ương đưa ra 30%...

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo cải cách TTHC, công nghệ thông tin, chính quyền điện tử tỉnh ngày 31-7-2018, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cho rằng, là đối tượng trực tiếp hưởng chương trình cải cách TTHC nên người dân và doanh nghiệp đóng vai trò phản biện và đặt hàng cơ quan công quyền. Do đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về công nghệ thông tin, về chính quyền điện tử. Để hướng tới một văn phòng không giấy, đồng chí yêu cầu dù khó đến mấy, các cấp, ngành cũng phải quyết tâm đến năm 2020, Bình Phước sẽ xây dựng thành công chính quyền điện tử. Mới đây, tại buổi làm việc với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi khẳng định: “Việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số không còn là vấn đề xa vời mà là việc Bình Phước đã và đang thực hiện...”. Với sự nỗ lực của tỉnh, chắc chắn thời gian đưa chính quyền điện tử ở Bình Phước vào hoạt động không còn xa nhưng cũng còn rất nhiều việc phải làm phía trước.

Việc đưa e-Cabinet vào hoạt động đã khẳng định, để xây dựng một chính quyền điện tử không khó, cái khó lớn nhất vẫn là tư tưởng con người. Bởi chính quyền điện tử tạo ra rất nhiều thuận lợi như, môi trường hành chính lành mạnh, giảm chi phí, tiêu cực, tham nhũng trong thực thi công vụ; tiết kiệm các chi phí cho xã hội, doanh nghiệp, người dân... Trong khi vẫn còn không ít người thi hành công vụ không muốn rời bỏ “quyền lợi” trong việc giải quyết TTHC qua giấy tờ. Vì có giấy tờ là có việc gặp gỡ trực tiếp nên dễ dẫn đến nhũng nhiễu, tiêu cực, nhất là những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, người dân. Do vậy, chính quyền điện tử phải là mục tiêu tiên quyết nếu muốn phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Lâm Phương

  • Từ khóa
109132

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu