Thứ 2, 20/05/2024 16:38:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:48, 18/06/2019 GMT+7

Chỉ có ở nền giáo dục...

Thứ 3, 18/06/2019 | 09:48:00 125 lượt xem
BP - Các địa phương đã bắt đầu công bố điểm chuẩn vào lớp 10 trong cả nước. Và nếu phải chọn ấn tượng nhất của kỳ thi năm nay, nhiều người sẽ cho rằng đó là hình ảnh một phụ huynh đứng chờ con gái thi đã bật khóc ở cổng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Hình ảnh đó khiến những ai quan tâm đến giáo dục, hiểu sâu ngành giáo dục sẽ se sắt, trĩu nặng.

Chị tên Phạm Thị Hiền, ở phường Linh Đông, quận Thủ Đức đưa con gái là Bùi Thị Minh đi thi. Rồi chị không kìm được, nước mắt cứ tuôn rơi vì lo cho con gái mình. Và điều khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ là bởi Minh học khá tốt, năm lớp 6 cháu đứng nhất khối với điểm tổng kết 9,8; ba năm lớp 7, 8, 9 đứng nhì khối với điểm tổng kết 9,6, chỉ kém bạn đứng nhất 0,1 điểm. Nhưng trước cuộc đua vào lớp 10 chị Hiền rất sợ. Chị sợ “học tài thi phận” và cũng bởi con chị đăng ký khá cao, nguyện vọng 1 vào lớp chuyên Trường THPT Gia Định, nguyện vọng 2 vào lớp chuyên Sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa.

Kết quả học tập của con như thế mà người mẹ vẫn lo lắng đến mức bật khóc khiến xã hội cũng... lo lắng theo. Không biết từ bao giờ, ở bậc tiểu học, THCS, tìm điểm trung bình, điểm khá lại khó như mò kim đáy bể. Thay vào đó, hầu hết là điểm giỏi, xuất sắc. Không biết từ bao giờ, trẻ em giỏi và xuất sắc lại chiếm hầu hết trong nhà trường. Không biết từ bao giờ quan niệm “học là phải giỏi” đã ăn sâu vào ý thức của bậc làm cha làm mẹ và cả trong thầy cô giáo.

Có lẽ không nền giáo dục nào lại sính hình thức, nặng hình thức như nền giáo dục nước ta hiện nay. Thay vì để lớn lên một cách bình thường cả về thể chất và tâm hồn, thì xã hội, nhà trường và cả gia đình đã nghĩ ra quá nhiều điều nhồi nhét vào bộ óc còn non nớt, làm cho việc học tập trở thành áp lực, gánh nặng quá lớn của trẻ em. Rất vô lý, nhiều phụ huynh muốn con mình phải như “con nhà người ta”, muốn con mình không những giỏi mà còn phải giỏi toàn diện, sau này chúng phải trở thành “ông nọ bà kia”.

Nhìn từ quan điểm giáo dục của nước ta hiện nay sẽ thấy những nền giáo dục tiên tiến có rất nhiều điều... vô lý. Ví dụ như nền giáo dục càng phát triển càng ít điểm số, ít bài kiểm tra, bài thi. Ngược lại ở nước ta ngày càng nhiều bài kiểm tra, bài thi và trường nào, địa phương nào càng thi nhiều, kiểm tra nhiều càng được xếp loại cao hơn. Nền giáo dục càng tiên tiến, phát triển trẻ em càng tham gia học tập nhóm nhiều hơn, vui chơi nhiều hơn, sinh hoạt tập thể nhiều hơn. Ngược lại, ở nước ta cha mẹ, thầy cô càng kỳ vọng càng bắt con em mình tập trung học một mình bấy nhiêu.

Khác với giáo dục, sang bậc đào tạo thì ngược lại. Sau khi bước chân vào trường đại học, sinh viên Việt Nam xem như thoát kiếp trần ai, bắt đầu hưởng thụ cuộc sống theo kiểu “người thành đạt”. Ở những nước có nền giáo dục và đào tạo phát triển, đây mới là khoảng thời gian thực sự họ rèn giũa và thực hiện ước mơ cuộc đời và những bài kiểm tra, bài thi thực sự mới xuất hiện. Tất cả những gì trước đó chỉ là “ký ức tuổi thơ” đúng nghĩa. Thậm chí những kỳ thi tuyển đầu vào đại học cũng mang ý nghĩa tượng trưng là chính, chứ không nói đến các danh hiệu kiểu như thủ khoa, á khoa vào đại học, vào lớp 10 như ở nước ta.

Vẫn biết, mọi so sánh đều khập khiễng và lý thuyết thì vậy, nhưng hãy xem chất lượng lao động và trình độ lao động - là kết quả của giáo dục rồi đào tạo - của nước ta so với các nước phát triển sẽ thấy rõ ngay thôi. 

Trần Phương

  • Từ khóa
109126

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu