Thứ 2, 20/05/2024 19:26:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:59, 13/06/2019 GMT+7

Không chỉ là khẩu hiệu

Thứ 5, 13/06/2019 | 09:59:00 147 lượt xem
BP - Những ngày này, cả nước đang thực hiện Tháng hành động phòng, chống ma túy với chủ đề “Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu”. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tệ nạn này thì việc phòng, chống ma túy không chỉ là khẩu hiệu hay trách nhiệm của cơ quan chức năng... mà cần sự chung tay của cộng đồng với những hành động cụ thể.

Riêng trong tháng 3 và 4-2019, lực lượng công an đã triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy “khủng” với số lượng hàng tấn tại Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh... Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 250.000 người nghiện ma túy, trong đó 40.000 người đang ở các cơ sở cai nghiện ma túy. Điều này cho thấy, cuộc chiến chống lại “cái chết trắng” và nạn buôn bán ma túy tại Việt Nam đang rất cam go, phức tạp. Nhiều câu hỏi: Vì sao càng triệt phá thì càng xảy ra nhiều đường dây ma túy và quy mô hơn trước, hay Bộ luật Hình sự đã có chế tài xử lý nặng hơn nhưng những hành vi  phạm tội về ma túy vẫn cứ xảy ra...?

Trong năm 2018, các lực lượng chức năng ở Bình Phước đã triệt phá gần 200 vụ án với trên 250 đối tượng phạm tội liên quan đến ma túy. Trên địa bàn Bình Phước đang có 1.582 người nghiện ma túy, tăng 208 người so năm 2017. Trong đó, số người nghiện ngoài xã hội 1.211 đối tượng, số đang quản lý trong các nhà tạm giữ là 30 người, 223 trường hợp đang ở tại các cơ sở cai nghiện... Năm 2018, Bình Phước đã lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc 318 đối tượng. Trong quý 1/2019, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh đã tiếp nhận 56 đối tượng vào cai nghiện ma túy. Đặc biệt, theo kết quả phúc tra về tệ nạn xã hội năm 2018 trên địa bàn Bình Phước chỉ 4/111 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy nhưng đến 19 xã, phường, thị trấn là địa bàn trọng điểm về ma túy...

Những số liệu đã nêu cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật về ma túy ở Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung đang rất đáng báo động. Lý giải vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, do lợi nhuận quá cao khi thực hiện các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ chất ma túy. Bên cạnh đó, bọn tội phạm lợi dụng tâm lý hiếu thắng, tính tò mò của lớp trẻ để khuyến khích, dụ dỗ thanh, thiếu niên sử dụng ma túy. Khi dính vào ma túy, người nghiện phải có tiền “mua hàng” để dùng. Muốn có tiền phải trộm cắp, cướp giật... và cách làm tiền nhanh nhất là mua bán ma túy để kiếm lời. Vì vậy, Bộ luật Hình sự tuy đã quy định rõ những đối tượng nào tàng trữ, vận chuyển... chỉ khoảng 700g ma túy (tương đương 2 bánh) sẽ rơi vào khung hình phạt tử hình. Thế nhưng, do lợi nhuận cao và nhu cầu sử dụng nên bọn tội phạm bất chấp các hình phạt, tính mạng để thực hiện hành vi mua bán ma túy.

Để phòng chống ma túy hiệu quả, ngoài thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của cộng đồng và ý thức tố giác tội phạm về ma túy của các tầng lớp nhân dân. Ngăn chặn việc sử dụng các “sản phẩm” ma túy biến tướng như bóng cười, chất hướng thần, cỏ Mỹ, chất ảo giác... trong giới trẻ. Đồng thời sớm sửa luật theo hướng xem người nghiện ma túy là đối tượng vi phạm pháp luật, chứ không phải bệnh nhân để triệt phá các hành vi mua bán và sử dụng ma túy trong đời sống xã hội hiện nay.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109123

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu