Thứ 2, 20/05/2024 16:31:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:01, 11/06/2019 GMT+7

Cần học hè hay kỹ năng sống?

Thứ 3, 11/06/2019 | 09:01:00 103 lượt xem

BP - “Hè này con phải học thêm toán, học thêm văn, học thêm tiếng Anh... vì những môn này con còn yếu” là yêu cầu của rất nhiều cha mẹ đối với con của mình khi các em vừa bước qua một tuần của kỳ nghỉ hè. Trong khi đó, chẳng mấy phụ huynh “gây áp lực” cho con hè này phải đạt được mục tiêu biết bơi, biết chuẩn bị một bữa cơm đơn giản cho gia đình, tham gia một trong các hoạt động vì cộng đồng như trồng cây, nhặt rác... Kỹ năng sống cũng là một bộ môn không kém phần quan trọng trong hành trình phát triển của con trẻ. Bởi không có sức khỏe, không có kỹ năng sinh tồn, không có ý thức chăm lo cho cộng đồng thì đứa trẻ vẫn không thể phát triển toàn diện.

Ngày tôi còn nhỏ, những ngày hè chỉ xoay quanh với việc phụ cha mẹ hái rau cho heo, nấu cơm và những buổi xuyên trưa chơi đánh đáo, bắt cào cào... Giờ trẻ con không được như vậy nữa, bởi loài người đã bước vào kỷ nguyên số. Thế nhưng trẻ con vẫn có sở thích và không thể cưỡng lại sự cám dỗ trước một hồ nước mát lạnh, một dòng suối trong veo. Nếu không được trang bị kỹ năng sinh tồn thì sở thích này có thể tước đi sự sống của các em trong khoảnh khắc.

Chỉ trong 10 ngày cuối tháng 5, cả nước đã xảy ra 5 vụ đuối nước, với 21 em mãi không còn biết mùa hè. Các em do không biết bơi hoặc mới biết bơi và do không được trang bị kỹ năng bơi lội an toàn dẫn đến sự việc đau lòng. Vậy mà hè đến chỉ thấy các lớp học thêm nhộn nhịp, còn hồ bơi vẫn vắng vẻ. Bộ môn bơi đã không còn bắt buộc dạy trong các trường học, vì vậy nhà trường có thể lơ là nhưng phụ huynh không thể làm vậy với con trẻ. Mỗi đứa trẻ là một tình yêu lớn, một niềm kỳ vọng của gia đình và xã hội, nhưng sẽ thương xót biết bao nếu niềm hy vọng lớn lao đó không còn nữa chỉ vì cha mẹ không trang bị cho con kỹ năng sinh tồn đó là học bơi.

Ở các nước phát triển, trong chương trình học luôn kèm hoạt động ngoại khóa, học sinh được tham gia các công việc bảo vệ môi trường như nhặt rác, trồng cây. Các em được “cấy” vào ý thức hành động vì cộng đồng từ rất sớm. Học sinh của chúng ta không được thực hành như vậy cả trong chương trình chính khóa và ngoại khóa nào. Đến khi nghỉ hè, thay vì tìm cho con các lớp học rèn luyện bản thân, đăng ký cho con tham gia vào một chương trình của các tổ chức hành động vì cộng đồng, thì phụ huynh lại “nhốt” con vào lớp học thêm để tiếp tục “luyện chữ”.

Không ít phụ huynh than phiền rằng, ngoài học ra con mình chẳng biết làm gì, nhiều cháu học cấp 2 rồi vẫn chưa biết dọn một mâm cơm chứ chưa nói đến nấu một bữa cơm, không phân biệt được các loại rau, củ ăn hằng ngày... Đây chính là hệ quả của việc cha mẹ không trang bị cho con kỹ năng tối thiểu là biết chuẩn bị một bữa cơm đơn giản trong gia đình. Thường những việc này cha mẹ cho rằng không cần thiết, tuổi các cháu chỉ cần ăn ngoan, học giỏi là được. Suy nghĩ này đã triệt tiêu sự phát triển bình thường của con trẻ, phá vỡ mối liên kết trong gia đình.

Trách nhiệm của người lớn đối với việc phát triển toàn diện của trẻ em đang bị xem nhẹ. Trong đó có cả việc xem nhẹ tính mạng của trẻ khi cha mẹ chưa có cái nhìn đúng đắn về sự cần thiết phải trang bị kỹ năng sinh tồn cho trẻ. Hãy biết cách bảo vệ con trẻ khi các em không ở cạnh người lớn, đó là cách bảo vệ toàn diện.

Hồng Cúc

  • Từ khóa
109121

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu