Thứ 2, 20/05/2024 17:20:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 21:25, 07/06/2019 GMT+7

Chất vấn và trả lời chất vấn

Thứ 6, 07/06/2019 | 21:25:00 131 lượt xem

BP - Trong những ngày qua, cử tri và nhân dân cả nước luôn theo dõi sát sao diễn biến của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội. Đặc biệt là những ngày Quốc hội thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp, nhiều cử tri quan tâm đã không bỏ sót một buổi nào. Bởi lẽ, hoạt động chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội có nội dung rất lớn, bao gồm tất cả vấn đề mà cuộc sống đòi hỏi. Đây cũng chính là những điều mà cử tri bức xúc, kiến nghị để Quốc hội đem ra bàn thảo.

Các buổi chất vấn tại kỳ họp lần này (từ ngày 4 đến 6-6) Quốc hội chọn 4 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực: An ninh trật tự, an toàn xã hội; xây dựng; giao thông, vận tải; văn hóa, thể thao và du lịch. Những vấn đề Quốc hội lựa chọn đều xuất phát từ thực tế cuộc sống, nhằm hướng tới những giải pháp hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân. Ngoài các bộ trưởng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội thì các phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực, các bộ trưởng đã trả lời, giải trình làm rõ thêm những nội dung thuộc lĩnh vực quản lý. Tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các bộ trưởng không trình bày báo cáo mà chỉ phát biểu không quá 5 phút trước khi các đại biểu Quốc hội chất vấn. Mỗi lần chất vấn có 5 đại biểu, mỗi đại biểu chất vấn không quá 1 phút, người trả lời chất vấn có tối đa 3 phút để trả lời mỗi chất vấn của đại biểu. Đại biểu Quốc hội có thể tranh luận lại nếu thấy chưa thỏa đáng, nhưng thời gian tranh luận không quá 2 phút...

Đổi mới trong chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội đã thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. Hoạt động này góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, tác động đến công tác điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Không chỉ là “hỏi - đáp”, trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã có nhiều ý kiến mang tính chất cùng thảo luận, tháo gỡ khó khăn, thậm chí đưa ra cả đề xuất giải pháp, làm cho cử tri hiểu rõ hơn vấn đề. Cơ chế tranh luận không chỉ giúp đại biểu Quốc hội “truy” đến cùng trách nhiệm các thành viên Chính phủ, mà còn tạo điều kiện cho các đại biểu tranh luận với nhau để cử tri có thêm những góc nhìn đa chiều. Chất vấn đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động giám sát nên các đại biểu dân cử không chỉ chất vấn để tìm thông tin, làm rõ vấn đề mà quan trọng hơn là “mổ xẻ” vướng mắc còn tồn tại, từ đó cùng các bộ trưởng, trưởng ngành có hướng tháo gỡ.

Tuy nhiên, cử tri cho rằng, sau chất vấn, các thành viên Chính phủ liên quan giải quyết vấn đề như thế nào, thực hiện lời hứa ra sao là vấn đề quan trọng hàng đầu. Vì vậy, giám sát “hậu chất vấn” phải được xem là thước đo chỉ số tín nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Mặc dù pháp luật đã quy định trách nhiệm của người trả lời chất vấn phải thực hiện các vấn đề đại biểu Quốc hội kiến nghị, chất vấn, thế nhưng, trên thực tế vẫn còn thiếu cơ chế và chế tài bảo đảm để những người có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ sau chất vấn. Vì vậy, cử tri mong muốn phải có cơ chế chặt chẽ, chế tài xử lý mạnh hơn nữa với những vấn đề đã nêu trong chất vấn nếu các bộ trưởng, trưởng ngành không thực hiện tốt.

Thanh Hà

  • Từ khóa
109120

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu