Thứ 2, 20/05/2024 17:11:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:20, 05/06/2019 GMT+7

Cần lắm quy tắc ứng xử trong trường học

Thứ 4, 05/06/2019 | 09:20:00 116 lượt xem

BP - Trên mạng xã hội (facebook) tối 6-4 vừa qua xuất hiện một đoạn clip ẩu đả giữa hai nữ sinh trên địa bàn TP. Hạ Long (Quảng Ninh). Điều đáng nói là những học sinh đứng xem không can ngăn mà còn liên tục hò hét, cổ vũ cho hành động bạo lực. Hay trước đó, vào tối 29-3, trên mạng xã hội cũng lan truyền clip một nữ sinh lớp 9, Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi (Hưng Yên) bị 5 học sinh khác đánh hội đồng, gây bức xúc dư luận.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ việc thể hiện văn hóa ứng xử không lành mạnh trong học sinh, sinh viên thời gian qua. Mặt khác, tình trạng học sinh nói tục, chửi thề; có biểu hiện bất hiếu với cha mẹ, vô lễ với thầy cô giáo; thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm với gia đình, cộng đồng; thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác... diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, trong trường học có em tỏ ra ngoan ngoãn, lễ phép nhưng trên mạng xã hội lại có thái độ vô lễ, xúc phạm thầy cô.

Vẫn biết, văn hóa ứng xử trong một bộ phận giáo viên với nhau không phải là tình đồng nghiệp, đồng chí mà là cạnh tranh; còn tình thầy - trò cũng đang cân đong, đo đếm bằng vật chất. Ngoài ra, còn có một số giáo viên chỉ quan tâm truyền đạt kiến thức cho học sinh trên lớp mà chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, trách nhiệm bản thân trong việc giáo dục thế hệ trẻ có đạo đức và ý thức tự lực vươn lên. Thậm chí, một bộ phận còn thiếu kiềm chế cảm xúc cá nhân, dẫn đến hành vi xúc phạm tinh thần, thân thể, bạo hành trẻ em và học sinh, sinh viên; có thái độ chưa đúng mực trong ứng xử với đồng nghiệp và phụ huynh...

Để môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, có hiệu lực thi hành ngày 28-5-2019. Theo đó, bộ quy định ứng xử với người học, giáo viên phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học. Đồng thời, tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học...

Bộ quy tắc còn quy định khi ứng xử với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học kính trọng, lễ phép, trung thực, chia sẻ, chấp hành các yêu cầu theo quy định; không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm, bạo lực. Khi ứng xử với bạn bè, sử dụng ngôn ngữ đúng mực, thân thiện, trung thực, hợp tác, giúp đỡ và tôn trọng sự khác biệt; không nói tục, chửi bậy, miệt thị, xúc phạm, gây mất đoàn kết; không bịa đặt, lôi kéo; không phát tán thông tin để nói xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người học khác...

Thực tế, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía nhà trường và phụ huynh thì phải kể đến những nguyên nhân khách quan, như tác động của quá trình hội nhập quốc tế, mặt trái của kinh tế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ thông tin... Hy vọng, đây sẽ là cơ hội để những người làm công tác giáo dục càng chú trọng xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện với cái tâm hướng về học sinh thân yêu.

L.P

  • Từ khóa
109117

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu