Thứ 2, 20/05/2024 19:26:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:29, 04/06/2019 GMT+7

Thi đua và bệnh thành tích

Thứ 3, 04/06/2019 | 09:29:00 112 lượt xem
BP - Năm học 2018-2019 kết thúc. Hè đã tới, thế nhưng không phải học sinh nào cũng được “nghỉ hè”. Thậm chí, rất nhiều em lại bước sang học kỳ thứ 3, đó là kỳ “học hè”.

Có không ít nguyên nhân dẫn tới trẻ em phải bước sang kỳ “học hè”. Đối với trẻ em chưa thể ở nhà một mình và không có người lớn trông coi, cha mẹ đi làm phải đem con đi gửi các lớp học hè, học năng khiếu... Cũng có không ít bậc cha mẹ muốn con học thêm cái này, biết thêm cái kia, nên đưa con gửi các lớp rèn chữ, học toán, học tiếng Việt, học tiếng Anh, học nhạc, họa... Lớp lớn hơn một chút, những năm cuối tiểu học, cha mẹ lo lắng sang năm cuối cấp hoặc vào đầu cấp sẽ khó khăn, cũng âm thầm đưa con học thêm nhà thầy cô giáo, đến các cơ sở ôn tập... Lớn thêm chút nữa, áp lực cao hơn, học cả năm học không đủ, phải học thêm hè mới mong lên THPT học tốt, được vào trường tốt, lớp tốt. Còn học sinh bậc THPT thôi rồi, gần như không còn khái niệm “nghỉ hè”, trong ký ức chỉ còn khái niệm “học hè”. Vì sao lại như thế?

“Con hư nên mới không được phiếu bé ngoan, không được cô giáo thưởng”. Không ít phụ huynh và cả cô giáo đã nói với con mình, học sinh của mình như thế. Và từ mầm non, trẻ em đã được nhồi nhét vào đầu ý thức không được phiếu bé ngoan là bé hư. Vì vậy, sang bậc tiểu học, cả cha mẹ, thầy cô và học sinh cùng “nhất trí” không chỉ ngày học 2 buổi trên lớp, mỗi tối các em còn phải học ở nhà, nhanh thì 30-45 phút, chậm 60-120 phút hoặc hơn. Vì thế, chương trình giáo dục hiện nay nặng như đeo đá trên vai, thế nhưng hầu hết học sinh tiểu học đều có kết quả học tập xếp loại giỏi. Trong lớp, trong trường, tìm học sinh không phải là học sinh giỏi khó như “tìm kim đáy bể”, hiếm học sinh nào không được trao giấy khen. Học sinh có kết quả học tập xếp loại khá đã bị xem như yếu hoặc kém. Cho dù giáo viên không tác động, phụ huynh tự nhìn thấy kết quả của “cả thiên hạ” và nhìn lại con mình cũng khó có thể đứng vững trước áp lực đó. Điều tệ hại hơn là chính các em đã bị tác động để hiểu rằng như thế là mình “yếu”, “kém”, “không được giấy khen”.

Tình trạng cả lớp, cả trường đều là học sinh giỏi giảm dần tỷ lệ sau mỗi cấp học, song cũng còn rất lớn và phụ thuộc vào mục tiêu thành tích trường đó, địa phương đó hướng tới, chứ không phải phụ thuộc vào chất lượng giáo dục, mục tiêu giáo dục và kết quả thực tế đạt được. Đứa trẻ đã ngấm giấy khen, ngấm thành tích ngay từ khi bước chân tới môi trường tập thể đầu tiên, từ chính thầy cô, nhà trường và cả áp lực cha mẹ phụ họa thêm.

Có ý kiến cho rằng, thi đua, khen thưởng đã sinh ra “bệnh thành tích”. Triệu chứng lâm sàng của bệnh này là phô trương hình thức; tốt khoe, xấu che, thậm chí dùng cả thủ đoạn để đạt được thành tích... Năm học 2006-2007, ngành giáo dục bắt đầu thực hiện cuộc vận động “2 không”, gồm “Nói không với bệnh thành tích” và “Nói không với tiêu cực trong thi cử”. Được ít năm đầu, ngay sau đó trở lại như cũ, gần đây “bệnh” có xu hướng ngày một trầm trọng hơn.

Có ý kiến cho rằng trong giáo dục luôn có thi đua và bản thân cuộc vận động “2 không” cũng là thi đua, nên cũng là nguồn gốc sinh ra “bệnh thành tích”. Thực tế bản chất không hẳn như vậy. Ở nơi nào trên thế giới cũng có thi đua và thi đua tạo nên động lực cho con người, cho mọi tập thể, mọi dân tộc, mọi quốc gia. Chỉ có điều thi đua như thế nào để tạo ra động lực chứ không tạo ra áp lực, thậm chí tạo ra nguồn cơn sinh bệnh hay không mà thôi.

 Hưng Nguyên

  • Từ khóa
109116

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu