Thứ 2, 20/05/2024 19:15:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:55, 30/05/2019 GMT+7

Tiềm năng đang bỏ ngỏ

Thứ 5, 30/05/2019 | 09:55:00 129 lượt xem
BP - Theo Tổng công ty Điện lực miền Nam, xu hướng lắp đặt điện năng lượng mặt trời theo hình thức áp mái hộ gia đình hiện phát triển rất mạnh. Việc lắp đặt điện mặt trời áp mái không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của các hộ dân mà còn bán lại sản lượng dư thừa cho ngành điện. Bình Phước có rất nhiều lợi thế để phát triển nguồn năng lượng tự nhiên này nhưng tiềm năng về điện mặt trời áp mái vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Các đơn vị thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam đã lắp đặt điện mặt trời áp mái cho 1.293 khách hàng, với tổng công suất gần 20.300kWp và sản lượng phát điện xấp xỉ đạt 2,9 triệu kWh. Theo thống kê, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có số khách hàng lắp đặt điện áp mái nhiều nhất ở miền Nam. Tại tỉnh này, đã có 215 khách hàng với sản lượng điện đạt 264.838kWh. Tiếp đến là Đồng Nai có 168 trường hợp với sản lượng điện 216.499kWh; Bình Dương có 108 khách hàng, sản lượng điện đạt 197.298kWh...

Nằm trong vùng đặc trưng của khí hậu nhiệt đới cận xích đạo nên Bình Phước có tổng số giờ nắng đạt từ 2.400-2.500 giờ mỗi năm. Vì vậy, Bình Phước được đánh giá là tỉnh có rất nhiều yếu tố để phát triển nguồn năng lượng mặt trời. Theo quy hoạch, đến năm 2030, tổng công suất điện năng lượng mặt trời của tỉnh đạt khoảng 4.775MWp, riêng giai đoạn từ nay đến năm 2020 Bình Phước phấn đấu đạt công suất 2.791MWp. Tuy nhiên, đây chỉ là các dự án lớn nằm trong quy hoạch phát triển điện năng lượng mặt trời của Chính phủ với vốn đầu tư cao. Còn việc lắp đặt điện mặt trời áp mái đối với các khách hàng là những hộ dân, doanh nghiệp... trên địa bàn tỉnh đang rất khiêm tốn. Toàn tỉnh hiện mới chỉ có 15 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái với công suất 84KWp, sản lượng điện phát lên lưới 18.786KWh là chưa tương xứng với tiềm năng.

Điện mặt trời là nguồn năng lượng sạch, vô hạn, miễn phí và đạt nhiều lợi ích cả về xã hội, môi trường lẫn hiệu quả kinh tế. Bởi khi lắp đặt điện mặt trời, các hộ dân chỉ đầu tư kinh phí để mua thiết bị và còn không lo lắng về tiền điện phải trả. Nếu sản lượng còn dư thừa thì được ngành điện mua lại qua công tơ 2 chiều để hòa vào lưới điện quốc gia. Hệ thống điện mặt trời không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, không gây hiệu ứng nhà kính hay tác động tiêu cực khác đến cuộc sống của hộ lắp đặt. Bên cạnh đó, kỹ thuật bảo trì, bảo dưỡng tương đối dễ dàng và không tốn kém, bởi thiết bị được bảo hành trong thời gian 20 năm. Đặc biệt, với công nghệ mới, dù trời tắt nắng, mưa... nhưng nguồn năng lượng này không bị mất, cúp do có hệ thống tích điện... Theo tính toán, những gia đình tiêu thụ mỗi tháng khoảng 800KWh điện, nếu lắp bộ năng lượng mặt trời 3KWp (sản lượng 360KWh/tháng) chi phí khoảng 70 triệu đồng, sẽ thu hồi vốn sau 5 năm, còn lại 20 năm sinh lời. Tuy nhiên, vì giá thành trọn bộ cao nên nhiều hộ dân đang lựa chọn việc lắp đặt từ 1-2KWp để tiết kiệm tiền điện là chủ yếu chứ chưa đặt mục tiêu sinh lời.

Để nguồn năng lượng này không bị lãng phí, ngành điện và các cấp chính quyền cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu về những lợi ích do điện mặt trời mang lại. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ khách hàng như giảm giá thành lắp đặt, tăng giá tiền mua điện mặt trời để khuyến khích người dân đầu tư vào nguồn năng lượng sạch này. Hoặc ngành điện có thể thuê lại mái nhà của các công sở, doanh nghiệp, hộ dân... để phát triển năng lượng điện mặt trời hòa vào nguồn điện quốc gia phục vụ khách hàng.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109113

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu