Thứ 2, 20/05/2024 18:12:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:07, 21/05/2019 GMT+7

Xóa bỏ văn hóa không nhúc nhích

Thứ 3, 21/05/2019 | 08:07:00 131 lượt xem

BP - Ngày 19-5-2019, đúng kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Hà Nội, dự lễ phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đề nghị mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương “xóa bỏ ngay thứ văn hóa không nhúc nhích, văn hóa để “nước đến chân mới nhảy”, văn hóa đợi nhắc thì làm, không nhắc thì cũng làm nhưng làm chậm, chậm trễ trong xử lý nhiệm vụ được giao mà nhân dân, cơ quan đang mong đợi”.

Đúng như Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, đội ngũ công chức, viên chức ngày càng hướng đến sự chuyên nghiệp. Phong cách giao tiếp, ứng xử đã có những tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện văn hóa công sở. Một bộ phận cán bộ, công chức mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm với dân, không nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế, có lời nói, hành xử không chuẩn mực, không tôn trọng cấp trên, thiếu công bằng với cấp dưới, gây bức xúc trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Một điều rất tệ hại là tạo ra ấn tượng về sự cửa quyền, thiếu trách nhiệm, gây bức xúc ấy vô cùng dễ, nhưng để xóa mờ nó trong lòng những người trực tiếp trải qua lại vô cùng khó. Và để khắc phục hậu quả đó, phải nỗ lực rất nhiều cũng như mất nhiều thời gian mới có kết quả. Đó là điều bình thường trong cuộc sống. Ví dụ như Bệnh viện đa khoa tỉnh sau nhiều năm nỗ lực đã cải thiện khá nhiều trong điều trị, cách tiếp xúc, ứng xử với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Thế nhưng mỗi khi nhắc tới Bệnh viện đa khoa tỉnh, không ít người vẫn có ấn tượng không tốt, kể lại những câu chuyện không tốt về trình độ, y đức của cả bác sĩ và các y sĩ, nhân viên của bệnh viện. Không chỉ vậy, ngày nay sự lan truyền thông tin qua thế giới số theo cấp số nhân, thì ấn tượng tốt hay xấu cũng tạo nên tác động mạnh như thế. Thời đại toàn cầu, đội ngũ cán bộ, công chức khi hành xử không chỉ tạo nên hình ảnh bản thân, đơn vị, cơ quan, địa phương mình làm việc, mà còn góp phần tạo nên hình ảnh của quốc gia.

Nêu lên như thế để thấy, có được đánh giá tốt, trở thành văn hóa văn minh nơi công sở không phải dễ dàng. Đôi khi chỉ một hoặc một vài sự việc, một vài trường hợp trước đây sẽ bị “chết danh”, ngày nay bị mạng xã hội quy kết thành thuộc tính phổ biến... Văn hóa phải qua thời gian nhất định mới hình thành. Văn hóa công sở cũng thế, được tạo nên từ tập thể công sở ấy và hình thành qua nhiều thế hệ, nhiều lớp công bộc. Nhân viên mới thường học theo cách ứng xử của đồng nghiệp đi trước và lâu dần tạo ra văn hóa chung.

Tại không ít cơ quan được gọi là “một cửa”, nhưng lại có “nhiều ngách”, ai biết đi thì nhanh tới đích hơn và ngược lại. Cũng tại không ít công sở, giao tiếp bề ngoài cho thấy niềm nở, lịch sự, đúng mực. Thế nhưng để giải quyết được công việc thì “hãy đợi đấy”, “biết có, biết không”. Nguyên nhân là để giữ được việc và giữ lợi ích của bản thân, một bộ phận cán bộ, công chức hành xử chỉ nhằm mục đích qua mắt chiếc camera giám sát mình, qua mặt cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp, không để lại “dấu vết” nào, chứ không xuất phát từ sự chân thành, trách  nhiệm. Để tạo nên văn hóa công sở thực sự đẹp đẽ, phải làm thế nào để mỗi hành động xuất phát từ tấm lòng của cán bộ, công chức. Sự chân thành, cởi mở, tận tình phải là lẽ sống của cán bộ, công chức chứ không cần bất kỳ một sự giám sát, đánh giá nào. Làm được điều này không dễ dàng và phải bắt đầu từ mỗi thành viên trong bộ máy cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như toàn xã hội.                      

Hưng Nguyên

  • Từ khóa
109106

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu