Thứ 2, 20/05/2024 17:20:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:03, 17/05/2019 GMT+7

Xâm hại tình dục trẻ em - không “tự hòa giải”

Thứ 6, 17/05/2019 | 09:03:00 130 lượt xem
BP - Thời gian qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, gây bức xúc trong dư luận. Nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến cho rằng, cần phải có chế tài đủ mạnh để trừng trị kẻ ác, đồng thời tăng cường giải pháp bảo vệ trẻ em hơn nữa.

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), từ năm 2014 trở về trước, bình quân trong cả nước có khoảng 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục/năm, năm 2018, con số này đã tăng gấp đôi. Và con số này vẫn chưa phản ánh đúng sự thật, vì còn nhiều trường hợp giấu giếm, không khai báo với chính quyền, cơ quan chức năng hoặc “tự hòa giải”.

Để bảo vệ trẻ em không bị xâm hại tình dục, thời nhà Lê, Luật Hồng Đức quy định: Những kẻ dâm ô, nhẹ thì bị xử lưu đày, nặng thì xử “tội chết”. Dưới thời Nguyễn, Luật Gia Long cũng thống nhất quan điểm triều Lê trước đó khi quy định: Kẻ nào gian dâm với bé gái 12 tuổi trở xuống, dù thuận tình cũng sẽ bị xử theo tội của kẻ dùng vũ lực để làm chuyện gian dâm đối với trẻ em. Luật Canh Cải ban hành năm 1912 quy định nghi phạm dâm ô trẻ dưới 13 tuổi, dù chưa thực hiện được hành vi, cũng bị xử tù. Hiện nay, Điều 146, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp làm nạn nhân tự sát, gây rối loạn tâm thần... mức án tù từ 7-12 năm. Đây là điều đáng để các nhà làm luật ngày nay cân nhắc.

Xâm hại tình dục trẻ em thường để lại những hậu quả vô cùng nặng nề, rất khó hồi phục cả về thể chất lẫn tinh thần. Ở 3 môi trường giáo dục giúp hình thành nhân cách của một con người gồm: gia đình - nhà trường và xã hội, thì gia đình đóng vai trò quan trọng nhất. Chính vì thế, đã đến lúc các bậc cha mẹ dẹp bỏ tư tưởng ngượng ngùng, thậm chí né tránh khi bàn về vấn đề giới tính để giúp con hiểu, chủ động phòng chống xâm hại tình dục, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Bởi trẻ bị xâm hại sẽ bị ám ảnh mãi mãi và luôn phải sống trong mặc cảm tổn thương, sợ hãi, tinh thần khủng hoảng trầm trọng. Cha mẹ không thể lúc nào cũng ở bên kèm sát con hằng ngày, hằng giờ.

Trường học cũng không phải là nơi an toàn tuyệt đối để con không có khả năng bị xâm hại. Vì thế, phụ huynh cần phải dạy con biết được những kỹ năng cơ bản để bảo vệ bản thân ngay từ khi học mẫu giáo và ở từng độ tuổi của con sẽ hướng dẫn phù hợp, quan trọng là con hiểu cần được tôn trọng và bảo vệ cơ thể. Sơ đẳng nhất cần ghi nhớ không đi theo người lạ, phải biết hét thật to kêu cứu khi thấy mình bị người khác khống chế, tấn công và những điều kiện dễ bị tấn công tình dục để né tránh.

Vẫn biết rằng, để bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân, một gia đình hay đoàn thể, tổ chức xã hội nào riêng biệt mà là trách nhiệm chung của các bộ, ngành liên quan và của cả xã hội. Tuy nhiên, trong mỗi gia đình đóng vai trò trọng tâm thì trước hết, cha mẹ hãy là người thầy và là chỗ dựa tốt nhất cho con.

An Nhiên

  • Từ khóa
109104

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu