Thứ 2, 20/05/2024 16:37:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:44, 15/05/2019 GMT+7

Xử nghiêm để ngăn chặn tín dụng đen

Thứ 4, 15/05/2019 | 09:44:00 87 lượt xem
BP - Thời gian qua, tình hình tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh khu vực phía Nam, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - xã hội. Vậy tín dụng đen là gì? Hiện nay, không có bất cứ định nghĩa tín dụng đen nào là chính thống. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật, tín dụng đen thực chất là một hình thức cho vay nặng lãi với lãi suất “khủng” vượt quá nhiều lần mức lãi suất quy định pháp luật cho phép.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 4 năm gần đây, toàn quốc xảy ra hơn 7.600 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến tín dụng đen. Cả nước có khoảng 210 băng nhóm với khoảng 1.600 đối tượng cho vay lãi suất lên đến 365%/năm... 4 năm qua, hơn 7.600 vụ phạm tội từ tín dụng đen, với 56 vụ giết người, 629 vụ cướp, 629 vụ cướp giật, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản... Cùng với đó có khoảng 2.000 vụ lừa đảo, lạm dụng huy động vốn với số lượng hàng ngàn tỷ đồng gây vỡ nợ dây chuyền. Hiện nay, lực lượng cảnh sát hình sự đang rà soát làm rõ hơn 200 băng nhóm liên quan hoạt động tín dụng đen với gần 2.000 đối tượng ở Thanh Hóa, Bắc Ninh, Đắk Lắk...

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước do chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố thống kê thì, trong thời gian qua cả nước đã xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành phố, với tổng số tiền khoảng 117 tỷ đồng. Trong đó, 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ. Chỉ ra những thủ đoạn của các băng nhóm cho vay nặng lãi tại địa bàn Kon Tum, ông Lưu Duy Khanh, Phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Kon Tum cho biết: Có thời điểm người dân không vay đồng nào cũng phải trả nợ. Nếu người dân chỉ cần gọi điện đến các số điện thoại cho vay tín dụng đen, thì dù không đạt được thỏa thuận vay, các đối tượng lập tức yêu cầu trả phí 500.000 đồng tiền công tư vấn. Nếu người dân từ chối thanh toán khoản tiền nêu trên, số tiền này sẽ bị tính lãi suất 30-40%. Các đối tượng, tổ chức dùng mọi biện pháp đe dọa về con cái, học hành, tài sản nếu người vay không trả được nợ.

Vậy phải làm gì để loại bỏ tín dụng đen ra khỏi đời sống xã hội? Câu trả lời cho câu hỏi này là trước hết ngành ngân hàng cần triển khai mạnh chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen hiện nay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân.

Đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần triển khai gói tín dụng cho vay tín chấp để phục vụ các nhu cầu vốn cấp bách của người dân, hộ gia đình khu vực nông nghiệp, nông thôn, với thời gian xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày với chính sách kiểm soát sau và áp dụng mức lãi suất hợp lý, đủ bù đắp rủi ro trong cho vay. Và cuối cùng là lực lượng công an và chính quyền địa phương các cấp có sự phối hợp chặt chẽ để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan có hành vi cấu kết, tiếp tay, thông đồng với các đối tượng, tổ chức xã hội đen cho vay nặng lãi để làm gương.

L.P

  • Từ khóa
109102

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu